Cho thuê kho, xây dựng xưởng trái phép trong trạm bơm Dương Hà gây ô nhiễm môi trường: Lợi ích chảy vào túi ai?
Như Sức khỏe và Môi trường điện tử đã thông tin, tại trạm bơm Dương Hà (xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội), đã bị sử dụng sai mục đích nhiều năm nay. Toàn bộ phần kho của trạm bơm, được cán bộ trạm bơm này cho tư nhân, doanh nghiệp thuê để hoạt động kinh doanh sai mục đích với danh nghĩa “liên doanh, liên kết”. Trong khi đó, vật tư của trạm bơm được để lẫn vào kho xưởng sản xuất của doanh nghiệp. Thậm chí, phần đất của trạm bơm cũng được cho thuê để xây dựng nhà xưởng rộng hàng trăm m2. Hiện tại, trạm bơm Dương Hà được bàn giao lại cho UBND xã Phù Đổng quản lý.
Đáng chú ý, việc làm này không phải là chủ trương của lãnh đạo Công ty thủy lợi, cũng không được sự cho phép của cơ quan chức năng liên quan.
Toàn bộ khu kho, và đất trống trong trạm bơm Dương Hà được cho tư nhân và doanh nghiệp thuê để hoạt động kinh doanh trái phép.
Trước vấn đề gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp hoạt động và xây dựng trái phép nhưng những sai phạm đó vẫn tồn tại, hoạt động nhiều năm mà không bị xử lý.
Trong quá trình làm việc với PV, lãnh đạo xã Phù Đổng cũng cho biết rằng “chỉ có người thân của lãnh đạo xí nghiệp, công ty mới có thể vào làm”.
Để làm rõ những vấn đề liên quan, PV cũng đã liên hệ trực tiếp đến Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội. Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Tuấn – Trưởng phòng tổ chức cho biết, phía lãnh đạo Công ty không có chủ trương, không chỉ đạo việc triển khai liên doanh, liên kết đối với tất cả các dự án thủy lợi mà phía Công ty đang quản lý. Việc liên doanh, liên kết là do đơn vị quản lý trực tiếp trạm bơm Dương Hà thực hiện.
Tuy nhiên, khi PV thắc mắc đến vấn đề hoạt động nhiều năm mà không bị xử lý, thì ông Tuấn cho rằng đó là vấn đề của “lịch sử” để lại.
Đó là một lý do có phần khiên cưỡng, bởi lẽ trạm bơm Dương Hà hàng năm được lãnh đạo Công ty, các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thường xuyên. Đặc biệt, trong trạm bơm có 1 xưởng sản xuất nhựa, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Vậy tại sao, họ lại không phát hiện ra vấn đề trên. Liệu có phải họ nhắm mắt, lờ đi những sai phạm đó.
Điều đặc biệt, là khi PV liên hệ làm việc với UBND huyện Gia Lâm để ghi nhận ý kiến của lãnh đạo huyện này, thì liên tiếp nhận được những lời “từ chối khéo” của vị Phó chánh văn phòng. Đáng lý ra, việc quản lý xây dựng, kiểm tra vi phạm xây dựng trên đất công là thuộc UBND huyện, nhưng vị Phó chánh văn phòng, nhiều lần đùn đẩy và hướng dẫn PV lên gặp lãnh đạo Công ty để làm việc.
Một điều lạ nữa là khi PV liên hệ làm việc với Xí nghiệp thủy lợi Gia Lâm làm việc, thì xuất hiện một người xưng đang công tác trên Ban tuyên giáo trung ương, có quen biết với lãnh đạo Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm, gọi điện thoại “mời đi uống rượu”. Tuy nhiên, PV đã từ chối, và yêu cầu người này lên trên tòa soạn để làm việc cho khách quan. Khi được mời lên làm việc trên tòa soạn, thì không thấy xuất hiện.
Văn bản 252/TLHN-QLCT của Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Thủy lợi Hà Nội.
Cũng trong buổi làm việc với ông Đinh Văn Tuấn, PV cũng được tiếp cận Văn bản số 252/TLHN-QLCT, ngày 19/10/2018 với nội dung “Tập chung thời gian, nhân lực tổ chức giải tỏa ngay các vi phạm liên quan đến đất đai trong khuôn viên các trạm bơm, cụm thủy nông, văn phòng, xí nghiệp thuộc công trình thủy lợi … Làm rõ trách nhiệm của các cụm, trạm, cá nhân được giao quản lý bảo vệ công trình theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, kiểm điểm, rút kinh nghiệp kịp thời”. Đồng thời, Công văn này đề nghị báo cáo kết quả thực hiện về công ty trong tháng 10/2018. Như vậy, cần phải làm rõ vấn đề trách nhiệm quản lý của đơn vị quản lý trực tiếp trạm bơm Dương Hà, để tránh việc trục lợi cá nhân. Đồng thời vấn đề môi trường được đảm bảo.
Tuy nhiên, tại thời điểm làm việc, PV vẫn chưa được cung cấp Kết quả của Văn bản chỉ đạo trên.
Sức khỏe và Môi trường tiếp tục thông tin./.
Hà Điệp