Đẩy mạnh tiêu dùng xanh nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường
Trong nhiều năm trở lại đây, tiêu dùng xanh được coi là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cũng như nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng đã được nâng cao. Vì vậy, việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam sẽ là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.
Có thể nói, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, an toàn cũng ngày càng tăng, nhất là các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt của người dân. Khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam cho thấy, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Điều này cho thấy đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng Việt
Tiêu dùng xanh là nội dung quan trọng được đề cập trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Việt Nam. Hiện nhiều đơn vị đang thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, và đặc biệt là nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon.
Theo số liệu khảo sát do Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với các đối tác thực hiện vào tháng 3/2021, số lượng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104 nghìn túi mỗi ngày tương đương với 38 triệu túi nilon một năm, một số lượng nilon rất lớn. Tuy nhiên đến năm 2025, nếu siêu thị, trung tâm thương mại nào phát túi nilon dùng một lần cho khách thì sẽ bị phạt.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, nước ta có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 - 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Xu hướng đẩy mạnh tiêu dùng xanh trên khắp thế giới đã làm thay đổi tư duy sản xuất, phân phối và thương mại. Giá trị của sản phẩm không chỉ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá thành phù hợp mà còn phải thân thiện với môi trường. Do vậy, xu hướng sử dụng bao bì xanh trở thành xu hướng toàn cầu.
Là một trong những doanh nghiệp có nhiều hành động cụ thể, thiết thực nhằm giảm thiểu bao bì nhựa trong sản xuất và phân phối, bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Điều phối Ủy ban Phát triển bền vững Tập đoàn TH - cho biết: 15 năm qua, chúng tôi đã kiên trì triển khai chiến lược phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh; môi trường là trụ cột quan trọng trong chiến lược đó.
Đánh giá về hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa tại các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình Giảm nhựa của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) - cho biết: Việt Nam đang tích cực thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, trong đó, khối doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
Với sự chủ động tham gia của nhiều nhà sản xuất và bán lẻ, hy vọng, Ngày không sử dụng túi nilon tại Việt Nam năm nay sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ tích cực từ phía người tiêu dùng. “Chỉ có hành động cùng nhau, chúng ta mới có thể hướng tới tiêu dùng bền vững và loại bỏ cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn diện” - Giám đốc WWF-Việt Nam nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường, cần đưa ra chính sách quy định về bao bì xanh, rác thải xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kho hàng.