Gắp thành công dị vật ra khỏi phế quản phổi của bệnh nhân
Bà V. cho biết, bản thân có tiền sử viêm phế quản mạn và tái khám thường xuyên. Cách đây hơn 20 năm, bà V. từng bị sặc hạt quả hồng xiêm (sa pô chê) nhưng chủ quan nghĩ không sao nên không đi khám. Từ đó trở về sau, cơn ho ngày càng kéo dài kèm khạc đàm, được chẩn đoán viêm phế quản mạn. Thời gian gần đây, bệnh nhân tái phát ho khạc đàm, kèm mệt ngực và nhập viện điều trị tại một cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, với chẩn đoán viêm phổi. Kết quả chụp CTScan ngực tại đây đã ghi nhận thâm nhiễm phế bào, mô kẽ thùy dưới và giữa phổi phải, lòng phế quản thùy dưới phổi phải có cấu trúc ngấm cản quang không đều. Sau 1 thời gian điều trị, tình trạng sức khỏe chưa có sự cải thiện, nên bệnh nhân xin xuất viện và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa.
Hạt quả hồng xiêm được gắp ra khỏi phế quản phổi của bệnh nhân V. |
Sau thăm khám, chẩn đoán ban đầu là viêm phổi, theo dõi dị vật đường thở và tiến hành nội soi phế quản. Qua hình ảnh nội soi, bác sĩ CKI. Hà Thị Phương Thảo phát hiện dị vật nghi ngờ gây tắc hoàn toàn phế quản thùy dưới phổi phải, niêm mạc sung huyết tăng tiết đàm, nhiều giả mạc bám xung quanh (chứng tỏ dị vật này đã rơi vào lâu ngày). Nhận định đây là ca khó, dễ chảy máu phế quản phổi, dễ đẩy dị vật đi sâu hơn, cả kíp nội soi đã thận trọng khi tiến hành. Sau hơn 1 giờ cố gắng, đã thành công gắp được dị vật ra khỏi phế quản phổi của bệnh nhân V. và dị vật được lấy ra là hạt quả hồng xiêm (sa pô chê) dài khoảng 4 cm. Sau khi gắp được dị vật, phế quản phổi 2 bên thông thoáng, tình trạng ổn định và bệnh nhân V. được xuất viện ngày 23/5/2024.
Từ trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo: Những bệnh nhân không may hóc dị vật và có biểu hiện đau tức ngực, ho kéo dài, cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, phát hiện và gắp dị vật ra càng sớm càng tốt, đảm bảo an toàn và sức khỏe của bản thân.