Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn cho "bài toán" xử lý chất thải rắn xây dựng
Sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế của Thủ đô trong thời gian qua đã kéo theo nhiều hệ lụy từ việc phát sinh chất thải gây ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên hiện tại Thành phố mới chỉ phê duyệt 3 điểm tiếp nhận, trung chuyển, xử lý CTRXD, dẫn đến tình trạng đổ thải trái phép ra môi trường. Chính vì vậy để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý CTRXD, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất thải. Ngày 10/11/2023, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã có VB số 3815/UBND-TNMT về việc thực hiện các giải pháp quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Theo đó, Thành phố cho phép Công ty CP dịch vụ sản xuất Toàn Cầu tiếp tục xử lý CTRXD tại vị trí 6,5ha nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ và yêu cầu công ty hoàn thiện các thủ tục về tài chính, đất đai, môi trường để đảm bảo hoạt động theo quy định pháp luật.
Công nghệ nghiền tái chế CTRXD đang được áp dụng xử lý tại bãi 6,5ha nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ |
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng chấp thuận nguyên tắc cho phép UBND quận Long Biên và UBND huyện Đông Anh sử dụng tạm thời khu đất trên địa bàn (vị trí cụ thể theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường) để tập kết trung chuyển, xử lý phế thải phát sinh trên địa bàn với các điều kiện không giao đất, cho thuế đất và tuyệt đối không được xây dựng công trình trên đất.
Riêng với UBND huyện Thường Tín và UBND huyện Phúc Thọ, Thành phố cho phép xây dựng phương án san lấp, hoàn nguyên mặt bằng các thùng đào, hố đấu tại các vị trí trên địa bàn theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường
Đồng thời giao các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch – Kiến Trúc, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Cục thuế thành phố căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các quận, huyện Long Biên, Đông Anh, Thường Tín, Phúc Thọ thực hiện đảm bảo các điều kiện về môi trường, đất đai, an ninh trật tự, giao thông và các quy định khác có liên quan.
Như vậy, việc Thành phố phê duyệt các điểm tập kết, trung chuyển, xử lý CTRXD, đây được xem là chủ trương đúng đắn, kịp thời, góp phần đảm bảo môi trường và giải quyết bài toán quá tải CTRXD của Thủ Đô trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, các cấp ngành cũng cần đẩy mạnh công tác thủ tục hành chính để các dự án xử lý chất thải sớm được triển khai hoạt động.
Thủ đô Hà Nội bước vào kỳ quy hoạch mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến xây dựng xã hội thông minh, phát triển bền vững. Do đó, Hà Nội cần đặt mối quan tâm đặc biệt cho công tác xử lý chất thải rắn, định hướng triển khai theo hướng hiện đại, thông minh nhằm tiết giảm chất thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng. |