Nguy cơ bùng phát dịch sởi, Rubella
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khu vực phía Bắc. Đặc biệt, tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa ghi nhận 1 chùm ca bệnh sởi tập trung ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi. Ngày 28/3, đoàn công tác Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đến Hà Tĩnh để cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đánh giá lại nguy cơ và đề xuất các giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới.
Bệnh do Virus Rubella gây ra, đây là virus chứa ARN, thuộc họ togavirus. Bệnh Rubella thường phát triển mạnh vào mùa xuân. Con đường lây truyền qua đường hô hấp, virus Rubella cư trú tại vòm họng và các hạch bạch huyết. Khi người lành tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy của mũi/họng hay các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt xì hơi thì có thể bị bệnh. Giai đoạn dễ lây nhiễm bệnh Rubella là từ 7 ngày trước đến 7 ngày sau khi phát ban đỏ.Mọi người đều có thể là đối tượng cảm nhiễm Rubella. Người phơi nhiễm với virus Rubella sẽ mắc bệnh nếu như chưa có miễn dịch với virus Rubella. Ban lúc đầu xuất hiện ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân nhưng thường không tuần tự như bệnh sởi.
Nốt ban đỏ là triệu chứng điển hình của bệnh rubella.(ảnh minh họa) |
Bệnh Rubella thường nhẹ, các triệu chứng thường xuất hiện từ ngày 16-18 sau khi phơi nhiễm. Có biểu hiện tương tự như bệnh cúm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Sốt, phát ban, nổi hạch ở vùng chẩm, cổ, bẹn, ấn đau. Bệnh rubella rất nguy hiểm ở phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ do có thể gây sảy thai, thai chết lưu. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài 14-21 ngày, trung bình 18 ngày. Thời kỳ lây truyền kéo dài từ 7 ngày trước cho tới 7 ngày sau phát ban. Trẻ em mắc hội chứng rubella bẩm sinh có thể đào thải vi rút đến một năm sau khi sinh.
Đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh Rubella . Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng của bệnh nhẹ, người bệnh chỉ cần nằm nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể tăng cao. Phụ nữ mang thai mắc bệnh Rubella cần đi khám bác sĩ để có chỉ định điều trị bằng thuốc (như dùng acetaminophen để giảm các triệu chứng). Hoặc những trường hợp nghiêm trọng hơn, điều trị có thể bao gồm truyền máu hay dùng steroid (loại hormone tổng hợp có tác dụng điều trị chứng viêm).
bệnh nhân nhiễm Rubella (ảnh minh họa) |
Để chủ động phòng chống dịch sởi và rubella, Viện Vệ sinh dịch tễ đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, Thành Phố tăng cường công tác giám sát tích cực các trường hợp nghi sởi, rubella. Đồng thời điều tra, lấy mẫu xét nghiệm hoặc gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Đối với các tỉnh, thành phố tự xét nghiệm cần gửi kết quả về Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đặc biệt khuyến cáo việc duy trì công tác tiêm chủng vaccine ngừa bệnh sởi cho trẻ từ 9-12 tháng và vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 18-24 tháng, đảm bảo không bỏ sót đối tượng.
Tiêm vaccine ngừa bệnh sởi, rubella cho trẻ. |
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo những biến chứng nặng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy, viêm não... Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi thường có diễn biến rất nặng. Bệnh rubella rất nguy hiểm ở phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ do có thể gây sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi (bệnh tim, mù, đục thủy tinh thể, điếc và chậm phát triển tinh thần), thường gọi là hội chứng rubella bẩm sinh. Hội chứng này có thể gặp ở 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu mang thai. Bệnh rubella có tính lây truyền cao và có thể gây thành dịch lớn. Trên lâm sàng, bệnh khó phân biệt với các bệnh sốt phát ban khác, nhất là với sởi và có tới 50% trường hợp bệnh biểu hiện lâm sàng không điển hình. |