Những người lính hóa học chung tay làm sạch môi trường
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng hóa, Bộ Tham mưu Quân khu 9 huấn luyện khử trùng, tiêu độc. |
Chứng kiến buổi huấn luyện nội dung khử trùng, tiêu độc của cán bộ, chiến sĩ Đại đội Tiêu Tẩy khói, Tiểu đoàn Phòng hóa, Bộ Tham mưu Quân khu 9 chúng tôi mới thấy hết được sự vất vả, khó khăn mà họ đảm nhiệm. Đặc thù của người lính hóa học là thường xuyên tiếp xúc với các loại khí độc hại, chất phóng xạ, do đó trong quá trình huấn luyện yêu cầu đặt ra là mỗi chiến sĩ phải thực hiện nghiêm những quy định về mang mặc, nguyên tắc an toàn và độ chính xác cao khi xử lý các tình huống.
Bộ đội Hóa học Quân khu 9 huấn luyện các nội dung chuyên ngành. |
Mồ hôi còn ướt đẫm, lăn dài trên khuôn mặt, Trung sĩ Ngô Minh Thuận, Tiểu đội trưởng, Đại đội Tiêu Tẩy khói, cho biết: “Bộ quần áo đặc chủng nặng hơn 5kg nên lúc mới tập luyện, chúng tôi có cảm giác bỏng rát toàn thân, rất khó thở. Để làm quen và sử dụng thành thạo bộ quần áo đặc chủng, yêu cầu đầu tiên là chúng tôi phải có sức khỏe thật dẻo dai. Ngoài duy trì tập luyện thể dục thể thao để nâng cao thể lực vào mỗi buổi chiều, hàng tuần chúng tôi còn luyện tập với phương pháp mặc bộ quần áo đặc chủng chạy xung quanh đơn vị, mỗi lần khoảng 2 giờ, cự ly được nâng dần từ 1 đến 3.000 mét. Nhờ tích cực luyện rèn, dù huấn luyện trong thời điểm nào, đến nay chúng tôi đều có thể thực hiện nhuần nhuyễn, thao tác chuẩn xác”.
Xe chuyên dụng luyện tập nhả khói. |
Theo Trung tá Nguyễn Văn Năm, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phòng hóa cho biết, trong quá trình huấn luyện, Tiểu đoàn thường xuyên xây dựng các tình huống, phương án sát thực tế cho bộ đội. Đơn vị cũng tập trung huấn luyện cho bộ đội các nội dung để nâng cao thể lực, nâng cao sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai. Qua các tình huống luyện tập sát với thực tế đã giúp các chiến sĩ có được sự trải nghiệm thực tế, nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhạy bén khi thực hiện nhiệm vụ.
Trong bộ đồ kín mít, bộ đội hóa học với đầy đủ vũ khí trang bị luyện tập chạy dài để nâng cao sức bền. |
Được biết, những năm qua, Tiểu đoàn Phòng hóa còn tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý hóa chất làm thí nghiệm môn hóa học và sinh học đã hết hạn sử dụng tại các cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn TP Cần Thơ.
“Các hóa chất đã mất nhãn hiệu, hoặc hết hạn sử dụng tồn đọng với số lượng lớn, điều đáng lo ngại là số hóa chất đó có nguy cơ cháy nổ và nhiễm độc cao, rất dễ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Bộ đội hóa học đến thu gom, xứ lý các hóa chất độc hại tồn đọng, chúng tôi rất yên tâm. Sắp tới, chúng tôi lên kế hoạch để mua sắm các trang bị hóa chất mới, nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy được chất lượng, an toàn hơn”, ông Phạm Tuấn Kiệt, Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ cho biết.
Bộ đội Hóa học Quân khu 9 thu gom hóa chất tại các trường học. |
Quá trình thu gom, lực lượng hóa học luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn. Tùy thuộc vào thành phần, đặc tính của hóa chất sẽ được đóng gói, dán nhãn; lưu chứa cẩn thận riêng từng loại thiết bị khác nhau nhằm tránh tình trạng rơi vãi, rò rỉ. Hóa chất sau khi thu gom, cũng được phân loại theo từng nhóm tương ứng để có phương án xử lý.
Thầy giáo Đặng Huỳnh Giúp, Giáo viên môn Hóa, Trường Trung học Phổ thông Thới Lai, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), tâm sự: “Nhà trường chưa có hệ thống xử lý rác thải, chất thải nguy hại nên các hóa chất tồn dư, dùng dở lâu ngày bị ẩm, bốc mùi nên mỗi khi vào phòng thí nghiệm thầy, trò cũng rất lo ngại. Nhà trường nhiều lần đề xuất với cơ quan chức năng sớm giúp xử lý chất thải hóa học sau giờ thí nghiệm, đồng thời tiêu hủy số lượng hóa chất tồn dư nhưng chưa có biện pháp xử lý. Các anh bộ đội đến giúp xử lý thật đúng lúc, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà trước mắt là bảo vệ sức khỏe của của chính các em học sinh”.
Tiêu hủy các hóa chất sau khi đã thu gom tại Trường bắn Chi Lăng (An Giang). |
Những năm qua, bộ đội hóa học còn tham mưu, xử lý kịp thời nhiều vụ về sự cố chất độc, phóng xạ, chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Đơn cử như cuối năm 2019, nhận được tin báo của một người dân khi đào đất làm vườn tại huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã phát hiện gần 300 kg chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ đến thu gom, xử lý kịp thời. Trước đó, năm 2017, đơn vị cũng tham gia xử lý sự cố giò rỉ bình khí Clo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang. Năm 2023, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng đến xử lý một quả bom tại nhà người dân huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).
Đại tá Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Hóa học, Bộ Tham mưu Quân khu 9, khẳng định: “Từ kết quả thu gom, vận chuyển, xử lý hóa chất tại các cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn TP Cần Thơ, chúng tôi đã báo cáo và xin ý kiến Thủ trưởng các cấp thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện công việc này tại các tỉnh, thành phố còn lại trên địa bàn Quân khu 9. Có thể khẳng định, những nỗ lực trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cũng như trong các hoạt động xử lý, bảo vệ môi trường, bộ đội hóa học của Quân khu 9 đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế ở các địa phương vùng sông nước Cửu Long”.