Phát triển rừng để đánh thức tiềm năng bán tín chỉ carbon tại Thanh Hóa
Để bảo vệ rừng theo hướng bền vững, ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA).
Xác định tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ carbon rừng, Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh đã sớm đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham gia Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ (REDD+) là sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng carbon rừng.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn liền với việc nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng |
Quản lý rừng bền vững
Thanh Hóa hiện có trên 647.437 ha rừng, trong đó trên 393.361 ha rừng tự nhiên, 255.000 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng 53,75%, chất lượng rừng ở Thanh Hóa còn khá tốt. Rừng tự nhiên của tỉnh chủ yếu được giao cho các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp, các đồn Biên phòng, hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã… để quản lý, bảo vệ chặt chẽ.
Trên thực tế, mục tiêu quản lý và khai thác bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng đã gắn liền với việc nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Chính vì vậy, việc cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) có vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu từ nguồn gốc lâm sản, đẩy mạnh xuất khẩu sáng các thị trường lớn.
Tính đến tháng 01/2024, Thanh Hóa đã có 28.492,43 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. Ngoài ra, Thanh Hóa đang là tỉnh có diện tích tre, luồng lớn nhất cả nước với gần 72.000 ha rừng luồng, nứa, vầu; 140.000 ha rừng keo trồng; hơn 40.000 ha diện tích còn lại trồng cây bản địa như: lim, lát, xoan, quế…
Theo thống kê của Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa, trong 28.492,43 ha có 4.670 hộ đã được cấp chứng chỉ (FSC) thuộc 07 chuỗi liên kết giữa chủ rừng (hộ gia đình, nhóm hộ) tại các huyện, gồm: Thạch Thành, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Vĩnh Lộc với các nhà máy chế biến như Công ty CP Xuân Sơn, Công ty CP Ngọc Sơn, Công ty CP BWG Mai Châu, Công ty CP Đại Minh...
Để có được kết quả trên, Thanh Hóa đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực khai thác, chế biến gỗ rừng trồng theo chuối giá trị phục vụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ rừng, doanh nghiệp và nhân dân đối với công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng.
Cùng với đó, định hướng phát triển các sản phẩm từ gỗ rừng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung.
Hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa có diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt khoảng 125 nghìn ha, trong đó có 16% diện tích gỗ rừng trồng liên kết được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (tương đương 20.000 ha). Đến năm 2030 ổn định diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng 125 nghìn ha, có 20% diện tích gỗ rừng trồng liên kết cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (tương đương 25.000 ha).
Đối với diện tích vùng nguyên tre, luồng, vầu nguyên liệu đến năm 2025 là 128 nghìn ha, có 8% diện tích tre, luồng, vầu được liên kết cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (tương đương 10.240 ha). Và phấn đấu đến năm 2030 ổn định diện tích vùng nguyên liệu 128 nghìn ha, có 12% diện tích tre, luồng, vầu được liên kết cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (tương đương 15.360 ha).
Bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng để quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính tại Thanh Hóa |
Đánh thức tiềm năng bán tín chỉ carbon
Đầu tháng 8/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thanh toán tiền ERPA đợt 1 cho Bộ NN&PTNT là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng), đạt 80% kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD (tương đương 249 tỷ đồng) sẽ thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV-PTR) Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa với sự quyết tâm cùng việc hỗ trợ tích cực của Quỹ FCPF, giai đoạn 2023-2025 đã được phân bổ từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Quỹ BV-PTR mở tài khoản để quỹ Trung ương phân bổ theo quy định; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng rà soát diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc chi trả giảm phát thải khí nhà kính.
Thanh Hóa hiện có trên 647.437 ha rừng, đây là tiềm năng cần được “đánh thức” để thu lợi từ việc bán tín chỉ carbon |
Đến nay, Quỹ BV-PTR đã thực hiện chi trả kinh phí cho các đối tượng hưởng lợi, cụ thể: Tổng thu từ ERPA có lũy kế thu từ ngày 03/10/2023 đến tháng 05/2024 là 162.679.083.245 đồng. Trong đó, thu điều phối từ Quỹ Trung ương là 162.528.520.110 đồng, thu lãi tiền gửi là 150.563.135 đồng.
Về việc giải ngân tiền chi trả ERPA tại Quỹ tỉnh, kế hoạch năm được duyệt là 5.261.358.325 đồng (số tiền đã chi trong kỳ báo cáo là 2.468.876.559 đồng). Chi giải ngân cho chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức khác được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên: Kế hoạch năm được duyệt là 47.352.224.931 đồng, số tiền đã chi trong kỳ báo cáo là 46.521.158.490 đồng, luỹ kế chi là 23.617.276.000 đồng.
Đối với việc giải ngân của chủ rừng là tổ chức có tổng số tiền nhận từ ERPA, số tiền được nhận năm trước là 22.186.327.236 đồng. Hiện nay các chủ rừng tổ chức chưa thực hiện giải ngân kinh phí do chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tài chính ERPA năm 2023.
Có thể nói, thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ - ERPA được thực hiện thí điểm tại Thanh Hóa đã giúp khơi thông và kịp thời tiếp nhận nguồn lực có ý nghĩa đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng.
Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ - ERPA được thực hiện thí điểm tại Thanh Hóa đã giúp khơi thông và kịp thời tiếp nhận nguồn lực có ý nghĩa đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng |
Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tổng hợp các báo cáo của chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện ERPA trên địa bàn tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Tiếp tục tổ chức các Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện thỏa thuận thí điểm chi trả ERPA và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời trong tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa…