Phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm - Hà Nội): Ngang nhiên xây dựng vượt tầng, phá vỡ quy hoạch tại vùng lõi phố cổ
Qua khảo sát, phân tích, nghiên cứu từ thực tiễn, Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường tiếp tục triển khai chuyên đề “Nhận diện thực trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội”, qua đó đưa đến những góc nhìn vĩ mô, đồng thời nêu lên mặt trái của vấn đề này tại một số địa bàn điển hình.
Chi tiết quy định chiều cao, mật độ công trình xây dựng khu phố cổ Hà Nội
Trong đó, nhiều địa bàn khác trong khu vực nội đô của TP Hà Nội, phường Hàng Buồm (Quận Hoàn Kiếm) được yêu cầu phải chấp hành nghiêm ngặt các quy định về sửa chữa, xây dựng. Các cơ quan chức năng được quán triệt không nhân nhượng với những vi phạm về trật tự xây dựng (TTXD), nhất là đối với chiều cao các ngôi nhà mặt phố, thế nhưng thời gian qua tình trạng các công trình ngang nhiên vi phạm, phá vỡ quy hoạch trên địa bàn phường vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Để gìn giữ nét văn hóa, kiến trúc và không gian xưa trên các tuyến phố cổ Hà Nội không bị mai một trong lòng người dân và khách du lịch quốc tế, ngày 24/10/2013, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thời điểm đó là ông Nguyễn Thế Thảo ký ban hành Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội, trong đó nêu rõ các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m…
Gần đây nhất tại Quyết định 1361/QĐ-UBND (ngày 19/3/2021) của UBND TP Hà Nội, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A (khu phố cổ), tỷ lệ 1/2000 có tổng diện tích khoảng 80,93ha, thuộc địa giới hành chính 10 phường của quận Hoàn Kiếm, gồm: Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Đào cũng nhấn mạnh đến công tác quản lý trật tự xây dựng, kiến trúc để giữ gìn không gian đặc biệt quan trọng khu phố cổ, phố cũ Hà Nội.
Công trình 40 Nguyễn Siêu xây dựng lên đến 6 tầng, sắt thép, cột trụ bê tông vẫn đang được để chờ để tiếp tục xây dựng
Quy định là thế nhưng phường Hàng Buồm lại đang quản lí quy hoạch theo một kiểu, các công trình vượt tầng phá vỡ quy hoạch phố cổ tại phường Hàng Buồm đã trở thành điểm nóng nhiều năm nay. Hàng loạt công trình vi phạm đã bị báo chí nêu, chính quyền thừa nhận nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả những nỗ lực xử lý vi phạm chỉ nằm trên giấy, cảnh quan phố cổ đang dần bị phá vỡ, các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại ở những vị trí đắc địa.
Đáng chú ý phải kể đến là công trình 40 Nguyễn Siêu được xây dựng với quy mô hoành tráng, đồ sộ. Mặc dù nằm trong vùng lõi phố cổ thuộc khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 1 khu phố cổ, thế nhưng đã xây dựng lên đến 6 tầng, sắt thép, cột trụ bê tông vẫn đang được để chờ để tiếp tục xây dựng, mật độ lên đến 100% dù trong quy định khu vực này mật độ xây dựng chỉ từ 60 – 65%. Nằm ngay gần UBND phường Hàng Buồm công trình 93 Mã Mây cũng đang được xây dựng lên đến 4 tầng, 1 tầng lửng, sắt thép vẫn đang được để chờ để tiếp tục xây dựng, mật độ xây dựng cũng lên đến 100% dù tại đây mật độ cũng chỉ được xây dựng từ 60 - 65%.
Trong nhiều lần trao đổi với báo chí về nguyên nhân gia tăng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo UBND TP nêu rõ nguyên nhân: Đó là do nhiều nơi các cấp lãnh đạo, cấp ủy chính quyền chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các nghị quyết của ban thường vụ quận ủy, dẫn tới thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và có nơi, có thời điểm buông lỏng công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD). Hệ thống Thanh tra xây dựng, chính quyền các phường chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sự giám sát, kiểm tra và chưa kiên quyết, chủ động xử lý triệt để các vi phạm. Công tác quản lý, giám sát chủ đầu tư xây dựng công trình theo giấy phép và hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt chưa thường xuyên, kịp thời; tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn cho tồn tại, không có biện pháp khắc phục hậu quả, dẫn đến không ít trường hợp chủ đầu tư coi thường kỷ cương, pháp luật, cố tình vi phạm...
Công trình 93 Mã Mây nằm ngay gần trụ sở UBND phường Hàng Buồm.
Để có thông tin khách quan, đa chiều PV đã đặt lịch liên hệ làm việc với UBND phường Hàng Buồm, thế nhưng dù đã nhiều tuần trôi qua vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía chính quyền phường.
Đã đến lúc UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Buồm cần vào cuộc quyết liệt, xác minh làm rõ thông tin, xử lý nghiêm sai phạm. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đã thiếu giám sát trong công tác quản lý TTXD, tránh gây bức xúc trong nhân dân, giữ được cảnh quan môi trường phố cổ.
PV