Sống gần sân bay liệu có hại cho sức khỏe?
Sống gần sân bay có thể ảnh hướng lớn đến sức khỏe. Ảnh minh họa
Không thể phủ nhận tiện ích và lợi nhuân của ngành hàng không gắn liền với cảng hàng không, sân bay. Nhưng những người sống gần sân bay có thể có những tác động tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống do ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí từ máy bay. Tiếng ồn từ máy bay có thể làm gián đoạn giấc ngủ, tăng mức độ căng thẳng và dẫn đến mất thính giác. Ô nhiễm không khí từ máy bay có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe hô hấp và tim mạch. Tuy nhiên, mức độ xảy ra những tác động tiêu cực này có thể khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như khoảng cách gần sân bay, số lượng chuyến bay và loại máy bay.
Một nghiên cứu được hỗ trợ bởi Quỹ Robert Wood Johnson phối hợp với Đại học California và Đại học Columbia (Mỹ) đã phát hiện ra rằng, những người sống trong bán kính 12 km tính từ 12 sân bay lớn nhất của California có mức độ mắc bệnh hen suyễn và các vấn đề liên quan đến tim mạch cao hơn. Tình trạng nhập viện cho các vấn đề về hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại các bệnh viện gần đó cao hơn 17% so với mức trung bình ban đầu. Các vấn đề về tim cũng tăng lên tới 9%.
Trong một nghiên cứu khác do nữ phó giáo sư Rima Habre, về lĩnh vực dân số lâm sàng và khoa học sức khỏe cộng đồng phát hiện ra rằng, nguyên nhân có thể là do một thứ gọi là vật chất hạt siêu mịn (UFP), một dạng ô nhiễm do máy bay thải ra, đặc biệt là ở vùng lân cận sân bay. Trong nghiên cứu của mình, bà Habre hy vọng có thể quan sát tác động của việc tiếp xúc cấp tính bằng cách yêu cầu những người tham gia đi dạo trong một công viên gần sân bay Los Angeles, cũng như một công viên ở xa hơn một chút. Cô phát hiện việc hít phải UFP dẫn đến phản ứng viêm gia tăng không chỉ ở phổi mà còn ở toàn bộ hệ thống tuần hoàn của những người tham gia mắc bệnh hen suyễn ngay sau khi tiếp xúc. Như Habre giải thích thêm, UFP không được quản lý hạn chế và nhiều cá nhân sống ở vùng lân cận các sân bay có lưu lượng tần suất hoạt động cao chắc chắn gặp rủi ro về sức khỏe.
Phơi nhiễm chì là một vấn đề khác mà nhiều người không biết. Một nghiên cứu được công bố vào đầu tháng hai trên Tạp chí PNAS Nexus đã phát hiện ra mức độ chì trong máu tăng cao ở trẻ em sống gần Sân bay Reid-Hillview ở Hạt Santa Clara (California, Hoa Kỳ). Nguồn ô nhiễm chì được phát hiện là do máy bay động cơ pít-tông, loại máy bay nhỏ một hoặc hai cánh quạt thường được sử dụng để huấn luyện hoặc hoạt động thương mại kéo theo các biểu ngữ quảng cáo.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), người lớn tuổi, những người mắc các bệnh liên quan đến tim hoặc phổi và trẻ em (đặc biệt là ở trường học), cũng dễ bị ô nhiễm UFP. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu từ Khoa Khoa học môi trường & Sức khỏe Nghề nghiệp (DEOHS) của Đại học Washington (Mỹ) đã tuyên bố, chất lượng không khí bên trong lớp học có thể tồi tệ hơn chất lượng không khí bên ngoài. Cũng có tín hiệu vui, các nhà khoa học đang nghiên cứu một giải pháp liên quan đến máy lọc không khí di động, cũng như nâng cấp hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí.
Nghiên cứu của họ, được gọi là Dự án không khí trong lành, trường học lành mạnh, đang được thực hiện một phần tại 20 trường học gần Sân bay Seattle -Tacoma (Hoa Kỳ) và sẽ liên quan đến việc sử dụng máy lọc có và không có bộ lọc, cùng với phân tích kết quả học tập. Hy vọng rằng những phát hiện này sẽ cung cấp thông tin cho những nỗ lực trong tương lai liên quan đến việc cải thiện chất lượng không khí không chỉ trong trường học mà còn trong các tòa nhà khác và môi trường đô thị lớn được công chúng sử dụng hàng ngày.
Xuân Vinh