Tình hình cháy nổ tại cộng đồng, nguyên nhân và giải pháp
Vụ cháy tại phường Định Công, Hà Nội vào ngày 16..2024 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng Ảnh: Nghĩa Tuấn |
Trong thời gian này, lực lượng PCCC và lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an các địa phương đã huy động 11.712 lượt phương tiện, 56.934 lượt cán bộ chiến sĩ tổ chức chữa cháy 2.605 vụ cháy nổ; hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người bị mắc kẹt ra nơi an toàn và trực tiếp cứu được 363 người trong các vụ cháy; di chuyển cứu được tài sản trị giá khoảng trên 105 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát PCCC-CNCH, các vụ cháy nổ tập trung chủ yếu ở thành thị và xảy ra ở một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh. Số vụ cháy tại khu vực nhà dân liên quan nhiều đến các hộ gia đình kết hợp kinh doanh. Cụ thể số vụ cháy ở thành thị chiếm tới 59,65%; ở nông thôn là 40,35%. Về loại hình xảy ra cháy, có 1.124 vụ cháy nhà dân (34,90%), 394 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh (12,23%), 292 vụ cháy phương tiện giao thông (9,07%), 203 vụ cháy nhà kết hợp kinh doanh (6,3%); 60 vụ cháy chung cư…Trong đó, vụ cháy khiến nhiều người tử vong nhất năm 2021 xảy ra tại căn nhà trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân (Quận 11. TP.HCM) vào ngày 7/5 khiến 8 người tử vong. Vụ cháy khiến nhiều người tử vong nhất năm 2022 xảy ra tại quán karaoke An Phú, đường Trần Quang (TP. Thuận An, Bình Dương) vào ngày 6/9, khiến 32 người tử vong, 17 người bị thương. Vụ cháy khiến nhiều người tử vong nhất năm 2023 xảy ra vào đêm 12 rạng sáng 13/9, tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào đêm 12 rạng sáng 13/9 khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương.
Theo thống kê điều tra rõ nguyên nhân cháy đối với 1.915 vụ cho thấy sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm tỷ lệ cao nhất (75,45%). Tiếp đến là do sơ xuất, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (16,76%); sự cố kỹ thuật chiếm 1,5%; sét đánh 1,04%, tự cháy (0,68%). Số liệu về nguyên nhân cháy còn cho thấy phần lớn các vụ cháy bắt nguồn từ nhận thức chưa đầy đủ của người dân trong việc bảo đảm an toàn cháy, nổ trong sử dụng hệ thống, thiết bị điện, trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và vi phạm quy định về PCCC.
Trong đợt tổng kiểm tra năm 2023, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 60.493 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Trong đó, có 1.345 nhà chung cư, 32 cơ sở nhiều căn hộ; 55.446 cơ sở thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê; 3.670 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Còn tại Hà Nội, thông tin Cảnh sát PCCC -CNCH cho biết, trên địa bàn vẫn có 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini); 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Trong đó có nhiều căn nhà trọ trong ngõ hẻm cho thuê với giá 350.000 đồng/giường/ngày quanh các trường đại học, bệnh viện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy.
Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, cơ quan chức năng cần tập trung vào giải pháp chủ yếu bao gồm: tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cho các tổ chức doanh nghiệp. Rà soát công tác cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra vối với karaoke, vũ trường. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về sử dụng điện (sau công tơ) để bảo đảm an toàn PCCC tại cơ sở, hộ gia đình.
Tiếp tục tăng cường truyền thông về công tác PCCC và kỹ năng thoát nạn được niêm yết tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC-CHCN và mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” tại khu dân cư. Triển khai hiệu quả trung tâm trải nghiệm cộng đồng về PCCC- CHCN tại các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nam định và nhân rộng ra toàn quốc.
Tiếp tục xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực, công khai đăng tải thông tin toàn bộ các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng; tổ chức điều tra, xử lý vi phạm quy định về PCCC; tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH; tổ chức chữa cháy, CNCH kịp thời các vụ cháy, nổ, CNCH xảy ra.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Công an các cấp PCCC và CNCH, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn. Thực hiện nghiêm túc việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH theo đúng thủ tục, trình tự, quy trình, quy định. Tổ chức điều tra, làm rõ, kết luận nguyên nhân các vụ cháy; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra cháy để xử lý nghiêm minh trước pháp luật…