“Thách thức và Cơ hội cho phát triển kinh tế tuần hoàn- Kinh nghiệm thực tiễn và Đổi mới sáng tạo từ Israel”
Ngài Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ngài Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam nói đây là sự kiện đánh dầu cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác thực tế giữa chính phủ và khu vực tư nhân của Việt Nam và Israel trong việc phát triển kinh tuần hoàn. Cả Việt Nam và Israel đều đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nỗ lực phát triển kinh tế tuần hoàn, mỗi quốc gia áp dụng các chiến lược phù hợp để tận dụng thế mạnh của mình. Việt Nam đang tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào kế hoạch phát triển quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong quá trình hiện đại hóa. Trong khi đó, Israel, với nền kinh tế dựa trên đổi mới, đang dẫn đầu với các công nghệ và thực hành giúp giảm tác động môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Ngài Đại sứ cũng cho biết Đại sứ quán Israel tại Việt Nam gần đây đã trở thành thành viên của Trung tâm Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam. Bước đi quan trọng này củng cố cam kết của Israel trong việc hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan trên các lĩnh vực – cả công và tư – để thúc đẩy tuần hoàn và bền vững. Việc cùng hướng tới các sáng kiến không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho cộng đồng toàn cầu.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe ông Nguyễn Thế Thông, nghiên cứu viên Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình bày “Tổng quan về chính sách quốc gia về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam theo Luật Bảo vệ môi trường 2020” với các nội dung về hướng tiếp cận, khung chính sách, pháp luật, dự thảo kế hoạch hành động quốc gia và những thách thức và giải pháp trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
“Tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn- ví dụ về hợp tác của CHLB Đức tại Việt Nam” do bà Trần Thị Nguyệt, chuyên viên Phòng Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đại sứ quán Đức tại Việt Nam trình bày đã đi sâu phân tích vai trò của tài chính trong mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn; các khả năng cho kinh tế tuần hoàn; công cụ tài chính thúc đẩy kinh tế kinh tế tuần hoàn; các chương trình/dự án kinh tế tuần hoàn của CHLB Đức tại Việt Nam. Bài chính bày cũng làm rõ các nội dung về huy động tài chính, ưu đãi tài chính, tiêu chí huy động tài chính, hướng dẫn và tiêu chí huy động tài chính và thực trạng việc sử dụng công cụ tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Để minh họa rõ hơn về tác động thực tế của các nguyên tắc này, hội thảo đã kết nối với đầu cầu từ Israel giới thiệu các giải pháp đổi mới từ năm công ty Israel trong các lĩnh vực chủ chốt như tuần hoàn nhựa, xử lý nước, sản xuất dệt bền vững, và năng lượng thông minh. Đó là các công ty và startup hàng đầu của Israel- Ayala, Pillar, Refresh, UBQ Materials và Ormat đang tiên phong cho những tiến bộ toàn cầu hướng tới sự bền vững, điều này cũng có thể áp dụng tại Việt Nam. |
Đặc biệt, hội thảo đã được nghe bà Sharon Madel Artzy, người sáng lập Nền tảng Các Bên Liên quan Kinh tế Tuần hoàn Israel, giới thiệu về các thực tiễn tốt nhất của Israel trong lĩnh vực này. Theo đó, nền kinh tế tuần hoàn tại Israel đã thúc đầy đổi mới và tăng trưởng bền vững cho các nền kinh tế; giúp Israel từ một quốc gia khởi nghiệp bước lên vị thế một quốc gia đổi mới sáng tạo tuần hoàn. Với lợi thế “đạt nhiều hơn với nguồn lực ít hơn” trong cả hệ thống nhiều bên cùng tham gia, kinh tế tuần hoàn đã đem lại lợi thế cạnh tranh cho Israel trên thị trường quốc tế và hình thành các tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh. Bà Sharon Madel Artzy cho biết tỷ trọng của công nghệ cao tại Israel chiếm khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu, 19,7% GDP và có đặc điểm là phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia từ đó ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của ngành.