Thanh Hóa: Người dân “dài cổ” chờ bồi thường đất
Các hộ dân bày tỏ sự bức xúc trước việc chậm bố trí đất tái định cư do bị ảnh hưởng khi thực hiện Dự án Khu cư xá và vận hành Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn I
Hơn 10 năm chờ bồi thường
Theo đơn thư của 7 hộ dân (Nguyễn Văn Hờn, Nguyễn Văn Nghị, Lê Quang Thân, Lê Văn Nhàn, Cao Văn Bình, Nguyễn Văn Tấu, Nguyễn Thị Hòa) cùng sống ở Tổ dân phố Đại Thủy, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn, với nội dung: Năm 2012 khi Nhà nước thu hồi đất ở của chúng tôi để thực hiện Dự án Khu cư xá và vận hành Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn I. Để đảm bảo đúng tiến độ bàn giao mặt bằng, chúng tôi đã chấp hành bàn giao đúng điều kiện Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) và các cấp thẩm quyền.
Cũng trong năm 2012, chính quyền địa phương đã có văn bản thống nhất chủ trương bố trí xen cư cho 7 hộ dân. Tuy nhiên, hiện nay đã 11 năm nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn chưa bàn giao đất để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp.
Ông Lê Văn Nhàn, 63 tuổi, sống ở Tổ dân phố Đại Thủy, phường Trúc Lâm bức xúc: Khi Nhà nước tiến hành thu hồi 326 m2 đất ở, gia đình đã nhanh chóng thống nhất và bàn giao để thực hiện Dự án Khu cư xá và vận hành Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn I. Thế nhưng đã hơn chục năm trôi qua, nhưng gia đình vẫn chưa bố trí đất ở tái định cư một cách thỏa đáng, trong khi đó gia đình đông con đang phải sinh sống trên khu đất chật hẹp, đời sống sinh hoạt hàng ngày hết sức khó khăn.
Cùng chung bức xúc, ông Lê Quang Thân, Tổ dân phố Đại Thủy, phường Trúc Lâm chia sẻ: Sau khi thu hồi đất ở, huyện đã thống nhất chủ trương bố trí đất tái định cư cho 7 hộ dân tại Sốc Lày theo diện giao đất có thu tiền sử dụng đất, chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Không hiểu sao lại không thực hiện vì lý do không đúng quy hoạch, khiến chúng tôi rất bức xúc. Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần ý kiến lên phường, nhưng phường lại trả lời là không có thẩm quyền cấp đất, việc này là do cấp trên, không biết chúng tôi phải đợi chờ đến bao giờ.
Cũng theo nguyện vọng của 7 hộ dân, trong khi quỹ đất ở, đất xen cư tại phường Trúc Lâm vẫn còn, nhưng vì sao hơn 10 năm qua vẫn chưa bố trí đất tái định cư. Bên cạnh đó, dù đã cao tuổi nhưng các hộ dân chỉ có mong muốn sớm được nhận đất bằng với diện tích đất bị thu hồi, giao đất có thu tiền sử dụng đất phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình để ổn định cuộc sống.
Theo hồ sơ các hộ dân cung cấp cho thấy, ngày 10/8/2012, UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) đã có Văn bản số 827/UBBND-GPMB về việc thống nhất chủ trương đối với đề xuất của UBND xã Trúc Lâm (nay là phường Trúc Lâm) về việc bố trí xen cư cho 7 hộ dân có đất ở bị thu hồi phục vụ GPMB Dự án Khu cư xá và vận hành Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn I.
Giao Phòng TN&MT hướng dẫn UBND xã Trúc Lâm lập quy hoạch đất ở xen cư tại Khu vực phía Nam Sốc Lày có một mặt tiếp giáo với đường 2B thuộc địa phận thôn Đại Thủy. Trình UBND huyện phê duyệt trước ngày 25/8/20212.
Căn cứ quy hoạch đã được phê duyệt, UBND xã Trúc Lâm tiến hành giao đất xen cư cho 7 hộ gia đình theo đúng trình tựm thủ tục quy định đối với việc giao đất ở xen cư có thu tiền sử dụng đất. Xong trước ngày 30/8/2012.
Dự án Khu cư xá và vận hành Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn I đã đi vào hoạt động hơn 10 năm, nhưng người dân vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng về đất
Cần sớm bố trí đất cho người dân
Thời gian giao đất cho 7 hộ dân được quy định thực hiện trong năm 2012, nhưng mãi đến năm 2015, UBND xã Trúc Lâm mới có Thông báo đến các hộ dân để đăng ký mua đất ở quy hoạch xen cư tại thôn Đại Thủy. Lúc này, 7 hộ dân thôn Đại Thủy ngỡ rằng sẽ có đất để dựng nhà, ổn định cuộc sống, nhưng sự việc lại “dậm chân tại chỗ” khi khu đất được “điểm chỉ” tại thôn Đại Thủy lại không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn.
Trước tình trạng trên, nhiều năm qua các hộ dân đã gửi đơn lên chính quyền địa phương bày tỏ mong muốn sớm giải quyết quyền lợi về bố trí đất tái định cư, song thực tế vẫn chưa nhận được kết quả thỏa đáng. Đến ngày 27/5/2020, UBND huyện Tĩnh Gia mới có văn bản số 1600/UBND-TNMT về việc giải quyết đơn thư của các hộ dân.
Văn bản trả lời với nội dung, vị trí xin lập quy hoạch đất (phía nam tràn Sốc Lày, thôn Đại Thủy, xã Trúc Lâm) không đủ điều kiện lập mặt bằng quy hoạch xen cư do khu đất bị ảnh hưởng bởi hành lang đường điện 35KV nên việc xem xét giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các hộ dân chưa được giải quyết.
Văn bản của UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) nêu rõ thời gian và địa điểm cụ thể để bố trí đất ở xen cư cho 7 hộ dân tại khu vực Sốc Lày
Vì vậy, việc bố trí đất ở cho các hộ dân theo Công văn số 827/UBBND-GPMB, ngày 10/8/2012 của UBND huyện Tĩnh Gia sẽ được thực hiện khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mặt bằng quy hoạch xen cư tại khu vực thôn Đại Thủy, xã Trúc Lâm và ý kiến thống nhất của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép UBND huyện Tĩnh Gia giao đất có thu tiền cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng để thực hiện Dự án Khu cư xá và vận hành Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn I.
Làm việc với PV Sức khỏe và Môi trường, ông Đỗ Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Trúc Lâm cho biết: Nguồn gốc đất của 7 hộ dân bị thu hồi để thực hiện Dự án Khu cư xá và vận hành Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn I được các hộ mua từ năm 1994. Sau khi bị thu hồi, các hộ dân sẽ được bố trí đất ở tại khu vực Sốc Lày, Tổ dân phố Đại Thủy, nhưng lại vướng vào quy hoạch đường điện nên không thực hiện được.
Trước câu hỏi vì sao phường Trúc Lâm không quy hoạch vị trí khác để bố trí đất tái định cư cho 7 hộ dân, ông Đỗ Văn Hưng phân trần: Hiện nay, quỹ đất tái định cư ở địa phương không còn và văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa ấn định phải bố trí tại khu Sốc Lày nên phường chưa quy hoạch được đất tái định cư. Cũng mong là 7 hộ dân có đơn gửi lên phường, tôi lấy cơ sở báo cáo thị xã xin ý kiến chỉ đạo.
Theo ông Hoàng Bá Trung, Trường phòng TN&MT thị xã Nghi Sơn cho biết: Hiện tại, quỹ đất ở tại phường Trúc Lâm vẫn còn, có thể bố trí đất xen cư trong các tổ dân phố cho người dân. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa phải có văn bản hướng dẫn để thị xã sớm thực hiện quy hoạch bố trí đất tái định cư cho người dân.
Câu trả lời này xin gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa để có lời giải cho những người dân sớm ổn định cuộc sống.
Văn Duy