Thừa Thiên Huế: Cần có biện pháp đảm bảo môi trường trong lành tại khu dân cư
Cơ sở sản xuất kinh doanh nhựa phế thải của công ty Nhật Hưng thuê mặt bằng của Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Phương. Đây là vị trí gần khu dân cư, trường học và chùa Thanh Lam, hàng ngày, học sinh đi học và vui đùa gần khó bãi tập kết phế thải nhựa. Cơ sở này thuê mặt bằng để nhập phế liệu sinh hoạt từ các loại chai, lọ nhựa rồi tái chế làm chiếu nhựa hiện nay thì làm cán chổi bằng nhựa tái chế và phân loại nhựa màu ép thành từng khối đem bán cho các cơ sở khác. Sẽ không có gì đáng nói nếu cơ sở này không gây tiếng ồn mùi hôi và một lượng nước thải đổ vào cống thoát nước sinh hoạt của cụm dân cư tổ 11 này.
Người dân ở tổ 11 phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi sự việc với PV.
Theo phản ánh của người dân thì mùi hôi và tiếng ồn luôn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ. Ông Cao Đình Ngọc, Tổ 11 phường Thủy Phương, TX Hương Thủy bức xúc: Nhà tôi cách cơ sở này đến ba căn nhà vườn nhưng mùi hôi và khói bụi vẫn ảnh hưởng, huống gì các hộ ở sát liền kề. tội nhất là các cháu nhỏ mỗi ngày phải học bài sinh hoạt ở nhà.
Thực tế, vật liệu phế thải này đều được chủ cơ sở sắp xếp trong khuôn viên của họ nhưng nhiều bao hàng chất cao vây quanh lấy cột điện với hàng trăm loại dây điện, dây mạng rất nguy hiểm. chưa kể hàng ngày học sinh trường tiểu học Thanh Lam đi lại trên con đường này mỗi ngày hai lượt. Theo người dân, cần phải có chính sách để di dời vị trí của cơ sở cho phù hợp với việc phát triển khu dân cư, đảm bảo cuộc sống của mọi người.
Một cơ sở thu mua, tái chế phế nhựa phế thải, tái chế giấy phế liệu gây ô nhiễm môi trường.
Bà Bùi Thị Hiên, là người nơi khác đến đây mua đất xây nhà, tuy ở cách cơ sở một con đường nhưng vẫn không chịu nổi tiếng ồn và khói bụi, đặc biệt là nước thải của cơ sở này khi tràn lên mặt đường hoặc âm ỉ bốc mùi từ các miệng hố ga gần nhà. Bà bức xúc: “Cả đời dành dụm để mua đất làm nhà, mà mua theo quy hoạch dân cư của chính quyền chứ mua trong dân đâu. Không lẽ bây giờ bán nhà mà đi chỗ khác”. Thủy Phương là địa phương tập trung khá đông các cơ sở thu mua, tái chế phế thải như cơ sở ép nhựa phế thải, tái chế giấy phế liệu và các bãi rác, do đó việc người dân bức xúc với ô nhiễm môi trường là dễ hiểu. Đã bao năm họ phải sống chung với khói bụi và mùi hôi thối từ bãi chôn lấp rác thải, các khe suối, giếng nước vốn mát lạnh, trong lành của cư dân ở đây bây giờ đều ô nhiễm nguồn nước từ nước rỉ ở các bãi rác.
Bà Bùi Thị Hiên, là người nơi khác đến đây mua đất xây nhà, tuy ở cách cơ sở một con đường nhưng vẫn không chịu nổi tiếng ồn và khói bụi.
Đơn thư đã viết và gửi đến các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan như cảnh sát môi trường cũng đã kiểm tra, hỏi ý kiến của nhân dân. Khi báo chí phản ánh vấn đề này, UBND phường Thủy Phương đã tổ chức buổi làm việc giữa cán bộ đô thị, tư pháp, môi trường, tổ dân phố và Hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị cho thuê mặt bằng cùng đại diện công ty Nhật Hưng.
Ý kiến của tổ dân phố yêu cầu đơn vị phải đảm bảo vệ sinh, cảnh quan môi trường, tránh khói bụi và tiếng ồn, đảm bảo an toàn giao thông khi xuất nhập hàng hóa. Đại diện HTX cần kiểm tra lại hợp đồng kinh tế mục đích khi thuê mặt bằng có bị thay đổi so với hiện tại không…nếu thay đổi thì chấm dứt hợp đồng. Mặc dù cơ sở đã đang tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, song nếu không đảm bảo các yếu tố vẫn sẽ phải di chuyển.
NGUYỄN PHƯỚC - TRƯỜNG THÀNH