Bảo vệ môi trường: Trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường.
Sự phát triển của xã hội hiện đại ngày nay đã tạo ra nhiều tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Trong đó có các nguyên nhân chính sau: chặt phá rừng; các chất khí thải độc hại từ nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, sinh học; các loại hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, diệt rầy...; các chất thải rắn trực tiếp thải ra môi trường; bụi bẩn, khói từ xe cộ, các phương tiện vận chuyển đường bộ, đường thủy hay đường hàng không;…
Tác hại của ô nhiễm môi trường
Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống, tình trạng ô nhiễm môi trường còn gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Các thành phần môi trường như đất, nước, không khí khi bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người khác nhau.
Ô nhiễm môi trường nước: khi sử dụng nguồn nước ô nhiễm, con người dễ bị nhiễm chì, mắc các bệnh về thận, thần kinh, cơ thể thiếu sức sống; nhiễm Natri gây bệnh về cao huyết áp, tim mạch; nhiễm Cadimi (kim loại) có thể gây đau lưng, thoái hóa cột sống; nhiễm độc các hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực vật gây cảm giác nôn ói hoặc ngộ độc. Theo thống kế của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, có đến 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém; có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém.
Thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống xung quanh góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. |
Ô nhiễm không khí: ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật trên toàn cầu, đặc biệt là sự nguy hiểm của bụi mịn PM 2.5 (hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi gây viêm nhiễm đường hô hấp. Khoảng 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu có liên quan đến ô nhiễm không khí, chủ yếu là do bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em. Ở trẻ em và người lớn, cả tiếp xúc ngắn hạn và dài hạn với ô nhiễm không khí xung quanh có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Ngoài ra, cũng có thể gặp các triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, tức ngực, khó thở.
Ô nhiễm môi trường đất: tùy thuộc vào từng chất gây ô nhiễm đất, con người có thể mắc phải các bệnh lý như: ung thư, tổn thương thận, nhiễm độc gan,…
Bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng
Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng trước tác hại ô nhiễm môi trường, chúng ta có thể bảo vệ môi trường sống xung quanh từ những việc làm nhỏ và thiết thực như:
- Đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi;
- Không đổ nước thải ra đường, phố, các nơi công cộng; thu gom nước thải vào hệ thống bể tự hoại, hầm chứa hoặc cho nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng; mỗi gia đình có hố xí tự hoại hoặc hố xí hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người;
- Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa chính vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
- Với người hút thuốc lá: không hút thuốc lá nơi công cộng và nên bỏ hẳn. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.
- Trong nông nghiệp, sử dụng cây trồng có kiểu gen cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tránh sự ảnh hưởng đến môi trường đất.
- Trồng cây xanh trong khuôn viên gia đình giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
- Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.