Chung tay đẩy lùi ô nhiễm rác thải nhựa tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa
Thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương mỗi năm – đây là nhận định của ông Albert T. Lieberg, trưởng đại diện Tổ chức Liên Hiệp Quốc (FAO) ở Việt Nam. Ước tính riêng Việt Nam lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, với con số "khổng lồ" 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm và lượng nhựa tiêu thụ này còn tăng.
Tại Việt Nam lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm. |
Trung bình mỗi phút trên thế giới có khoảng 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có khoảng 5000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Còn tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Một điều đáng lưu ý là việc phân loại, thu hồi và xử lý rác thải tại Việt Nam còn rất hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường. Lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa "ô nhiễm trắng" mà các chuyên gia đã gọi.
Ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề rất lớn do rác thải nhựa gây ra và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do thói quen tiêu dùng nhanh, sử dụng các vật liệu, đồ dùng bằng nhựa lớn, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường hàng ngàn tấn rác thải nhựa. Điều này dẫn đến việc chúng ta đang phải đối mặt với những tác hại của rác thải nhựa lớn hơn bao giờ hết.
Ngay trong chính môi trường, rác thải nhựa cũng gây ra vô số những rắc rối như: Khó phân hủy, gây cản trở quá trình phát triển của cây cối, thực vật; rác thải nhựa lẫn trong thức ăn của các loài động vật dẫn đến tình trạng động vật bị chết hoặc bị thương do ăn nhầm; rác thải trôi nổi trên các bề mặt nước gây ra hiện tượng ô nhiễm nguồn nước, khiến các động vật dưới nước bị mắc phải (túi nilon, vòng nhựa, chai lọ...) và bị chết do ngạt khí...; rác thải nhựa khi chôn trong đất cũng khiến cho các vi sinh vật tốt trong đất bị chết và không thể sinh trưởng.
“Chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa” tại Nga Sơn
Nhận định rõ vấn nạn rác thải hiện nay ngày càng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, ngày 1/11/2023, tại Chợ Huyện Nga Sơn, UBND huyện Nga Sơn đã phối hợp Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ phát động phong trào “Chung tay đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa” nhằm kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa; các doanh nghiệp quản lý, khai thác các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn huyện Nga Sơn nói riêng và cả tỉnh nói chung cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.
Dự Lễ phát động có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị gồm: Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn cùng một số đại diện sở ngành cấp tỉnh. Về phía huyện Nga Sơn, có đồng chí Nghiêm Phú Lâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, đại diễn lãnh đạo các phòng ban ngành đoàn thể huyện, UBND các xã và thị trấn; Ban Quản lý chợ, các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn huyện Nga Sơn; Công ty TNHH sản phẩm nhựa HINGLUNG; Công ty TNHH Winners Vina; Công ty TNHH YKJ Vina.
Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hàng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần; ước tính hàng năm, có khoảng 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường.Ở Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường và con số này vẫn đang ngày càng gia tăng, đe doạ nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khoẻ của con người và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa đã và đang gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.
Từ năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động phong trào chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.Tại Việt nam, Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa. Việc quản lý theo hướng giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa.
Đối với huyện Nga Sơn, toàn huyện có 10 chợ đang hoạt động, 11 siêu thị mini, 31 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn và trên 1000 cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại trải rộng trên địa bàn các xã thị trấn. Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, người dân Nga Sơn có thói quen sử dụng các sản phẩm chế biến từ nhựa, nhất là túi nilong trong sinh hoạt mua sắm hàng ngày. Do đó, đã gia tăng nhanh chóng lượng hàng hoá là vật tư phục vụ sản xuất trong đó có nhiều loại vật tư hàng hoá sử dụng bao bì nhựa. Sản xuất công nghiệp, TTCN cũng sử dụng các sản phẩm nhựa để bao gói thành phẩm. Đây là nguy cơ đe doạ nghiêm trọng đến môi trường và chất lượng sống của người dân.
Tại lễ phát động, đồng chí Nghiêm Phú Lâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện đã kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa; các doanh nghiệp quản lý, khai thác các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn huyện cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa. Đồng chí nhấn mạnh các xã thị trấn, các cơ quan, đơn vị, ban ngành cấp huyện, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đặc biệt là các chợ, siêu thị, cửa hàng thương mại, triển khai có hiệu qảu lời kêu gọi phát động của Sở Công thương bằng các giải pháp việc làm thiết thực, nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần mà thay thế bằng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Có thể khẳng định với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực của các cơ quan chính quyền và người dân trên địa bàn huyện, trong thời gian tới huyện Nga Sơn sẽ đạt được những thắng lợi nhất định trong công tác đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa. Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường.