Cuộc chiến chống rác thải điện tử: Nguy cơ “thất thế”
Theo chuyên gia của Liên hợp quốc, thế giới đang ‘thất thế’ trong cuộc chiến chống rác thải điện tử khi tốc độ tạo ra loại rác này đang nhanh hơn rất nhiều so với những nỗ lực tái chế nó.
Rác thải điện tử bao gồm bất kỳ vật dụng bỏ đi nào có chứa phích cắm điện hoặc pin. Nó có thể chứa các chất phụ gia độc hại và các hợp chất độc hại như thủy ngân, gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe. Những thiết bị này thường không dễ sửa chữa và dễ dàng trở thành rác thải, khiến lượng rác thải toàn cầu ngày càng gia tăng.
Trong năm 2022, thế giới ghi nhận 62 triệu tấn rác thải điện tử thải ra môi trường, tăng 82% so với 12 năm trước đó. Mỗi năm, lượng rác thải điện tử tăng thêm 2,6 triệu tấn, đồng nghĩa với việc con số này có thể lên đến 82 triệu tấn vào năm 2030.
Hiện nay, phần lớn rác thải điện tử không được quản lý tốt và bị thải ra môi trường qua các bãi chôn lấp, chẳng hạn những vật dụng có kích cỡ nhỏ như những chiếc điện thoại di động…
Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, sự gia tăng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm mức tiêu thụ cao hơn, thiếu các lựa chọn sửa chữa, tuổi thọ của thiết bị điện tử ngắn hơn, và cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu quản lý rác thải điện tử. Ngay cả những vật dụng được thiết kế để giảm mức tiêu thụ năng lượng, như tấm pin mặt trời, cũng góp phần tạo ra rác thải điện tử. Trong năm 2022, ước tính khối lượng tấm quang điện bị thải bỏ trên thế giới vào khoảng 600 nghìn tấn.
Lượng rác thải điện tử tăng kỷ lục chưa từng thấy
Một báo cáo quốc tế mới tiết lộ rằng, chỉ có 17% chất thải được tái chế, phần còn lại chuyển đến các bãi chôn lấp, thiêu hủy hoặc đơn giản là không được xử lý. Các thiết bị điện tử nhỏ, như lò nướng bánh, máy cạo râu điện và đồ chơi, chiếm 32% chất thải điện tử của năm 2019.
Lượng rác điện tử nhiều thứ hai chiếm 24% là các thiết bị lớn như thiết bị nhà bếp và máy photocopy. Các tấm pin mặt trời bị loại bỏ chưa phải là lượng rác lớn hiện nay nhưng có thể là vấn đề khi công nghệ hiện nay trở nên cũ. Màn hình điện tử chiếm khoảng gần 7 triệu tấn chất thải điện tử vào năm 2019. Thiết bị CNTT và viễn thông nhỏ như điện thoại vào khoảng 5 triệu tấn rác.
Vào năm 2030, lượng rác thải điện tử dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Theo báo cáo, rác thải điện tử là mối nguy hiểm đối với sức khỏe của con người, vì rác có thể đầu độc người xử lý nó và môi trường xung quanh.
Khi sản phẩm mới hôm nay là rác của ngày mai
Theo báo cáo, năm 2019, châu Á, lục địa lớn nhất và đông dân nhất, đã thải nhiều rác điện tử nhất. Châu Âu có tỷ lệ chất thải điện tử trên đầu người cao nhất, gần gấp ba lần châu Á. Châu lục này cũng có tỷ lệ thu gom và tái chế chất thải cao nhất.
Các chuyên gia mong đợi nhu cầu về sử dụng thiết bị điện tử phát triển nhanh ở những nơi có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Những người không đủ khả năng mua các thiết bị mới trong quá khứ giờ đang bắt đầu nghiến ngấu sử dụng chúng. Đây là một thách thức lớn đối với loài người bởi thực tế là có một tầng lớp trung lưu đang tăng lên ở khắp mọi nơi trên thế giới. Vẫn còn một cơn khát về mặt hàng điện tử.
Theo ông Scott Cassel, người sáng lập Viện Quản lý sản phẩm phi lợi nhuận, đống chất thải điện tử ngày càng phức tạp và độc hại hơn. “Các công ty điện tử có thể làm rất tốt việc thiết kế sản phẩm phục vụ niềm vui và tăng hiệu quả công việc cho người dùng, nhưng sự thay đổi nhanh chóng trong nhu cầu của người tiêu dùng cũng có nghĩa là họ đang thiết kế cho sự lỗi thời. Vì vậy, sản phẩm mới nhất, tuyệt vời nhất ngày nay trở thành rác của ngày mai”, ông Cassel nói.
Bà Mijke Hertoghs, người đứng đầu bộ phận Môi trường và viễn thông khẩn cấp của ITU cho biết, tỷ lệ rất thấp của chất thải điện tử được tái chế là một dấu hiệu cho thấy mặc dù các chính sách và luật pháp này được áp dụng, nhưng nó không hiệu quả. Bà cho rằng có thể làm nhiều hơn để thực thi các chính sách đó.
Thiết bị điện tử đang được trao đổi như hàng hóa và rác thải điện tử là mang tính toàn cầu. Những nỗ lực để giữ cho rác thải điện tử không chồng chất đến mức nguy hiểm cũng sẽ cần phải mang tính toàn cầu, ông Cassel và bà Hertoghs cùng cho biết.
Theo ông Cassel, không chỉ là đại dương của chúng ta đang lấp đầy nhựa, mà đất của chúng ta cũng đang chứa đầy rác thải điện tử.