Hướng dẫn cách ly phòng chống Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú
Bộ Y tế đã có công văn “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú”.
Về cơ sở pháp lý, để việc cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú được thực hiện một cách có hệ thống, đồng bộ trên phạm vi cả nước, ngày 12/03/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế ra Quyết định số 879/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú”.
Quyết định này thay thế Quyết định số 345/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Vi rút Corona (Ncov)”.
Quyết định số 879/QĐ-BYT có hiệu lực kể từ ngày 12/03/2020, hiện đang có hiệu lực thi hành. Kèm theo Quyết định này là “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú” của Bộ trưởng Bộ y tế.
Hiểu như thế nào về “nhà, nơi ở, nơi lưu trú”? Theo Hướng dẫn trên, nhà, nơi ở, nơi lưu trú là “nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị”.
Đối tượng phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú
Theo Quyết định 879/QĐ-BYT, những đối tượng sau đây bắt buộc cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú:
“Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định; Người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn”.
Mặc dù dịch bệnh hoành hành, nhưng cuộc sống của chúng ta vẫn không ngừng vận động, tiến về phía trước. Học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh…. và những hoạt động khác của đời sống xã hội vẫn phải duy trì, phát triển. Nhu cầu di chuyển, giao lưu là tất yếu. Trong bối cảnh hiện nay, khi đã có tới 23/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố có dịch, việc chúng ta đi và đến các tỉnh thành này trong suốt quá trình học tập, công tác…là điều không thể tránh khỏi.
Trang bị cho việc cách ly tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú
Gần đây, việc nhiều người đến và đi từ từ địa phương có dịch vẫn thường đặt ra các câu hỏi như: “Liệu bản thân có thuộc trường hợp bắt buộc phải cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú hay không?” và “Chính quyền cấp tỉnh nơi có dịch có ban hành Văn bản nào quy định về các đối tượng phải cách ly (áp dụng riêng cho địa bàn tỉnh đó) hay không?”
Để để trả lời những câu hỏi này trước hết chúng ta phải nhận thức rõ một điều rằng việc cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú được Bộ trưởng Bộ y tế hướng dẫn là để áp dụng chung cho cả nước, không ngoại trừ bất cứ một địa phương nào ngoài các trường hợp khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 hoặc theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế căn cứ diễn biến cụ thể của dịch bệnh.
Một thực tế cho thấy, nếu mỗi tỉnh thành có quy định riêng về đối tượng bắt buộc cách ly tại nhà, nơi ở, nơi cư trú thì liệu trong số gần 100 triệu dân Việt Nam có bao nhiêu % lượng người đủ trình độ hiểu biết để cập nhật quy định của tất cả 63 tỉnh thành? Mặt khác, nếu không có quy định thống nhất về đối tượng bắt buộc cách ly tại nhà, nơi ở, nơi cư trú thì liệu các địa phương có tùy tiện trong việc áp dụng quy định này? Và Trung ương có thống nhất quản lý được thực trạng thực hiện việc cách ly tại các địa phương hay không? Và đặc biệt khi có vi phạm thì sẽ căn cứ vào quy định nào để xử lý một cách thống nhất và công bằng trên phạm vi cả nước? Câu trả lời, chúng tôi dành cho bạn đọc!
Quay trở lại với quy quy định cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú, hiểu như thế nào cho đúng để áp dụng. Chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa, việc cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú được Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế quy định là để áp dụng chung trên phạm vi cả nước.
Hiện tại, liên quan đối tượng cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú vẫn chưa có quy định nào khác ngoài Quyết định số 879/QĐ-BYT. Theo đó, đối tượng cách ly này bao gồm: Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định; Người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn.
Và để hiểu rõ như thế nào là “Người tiếp xúc gần”; như thế nào là “Trường hợp bệnh xác định”; như thế nào là “Ca bệnh nghi ngờ”? hoặc một số thuật ngữ liên quan khác….chúng ta cần cần tham khảo tại Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19 (Ban hành kèm theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 07/8/2020 của Bộ Y tế).
Trách nhiệm của UBND phường, xã, thị trấn nơi có người được cách ly
Xét về thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế là những cơ quan có thẩm quyền quyết định đối tượng cách ly.
Xét về chức năng, nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các quy định về cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú. Tùy diễn biến dịch bệnh tại mỗi địa phương, chính quyền và các cơ quan cấp tỉnh của từng địa phương sẽ có những hướng dẫn cụ thể để phù hợp với tình hình tại địa phương đó.
Vì vậy, chúng ta cũng cần cập nhật thông tin dịch bệnh của các địa phương mình muốn đến và các hướng dẫn của địa phương đó để có những quyết định sáng suốt trong hành trình của mình. Bản thân tôi cũng từng dở khóc, dở cười do chủ quan, không nắm bắt tình hình tại địa bàn tỉnh A nên đã biến chuyến công tác của mình thành chuyến cách ly tại khách sạn 14 ngày. Ảnh hưởng vô cùng lớn đến kế hoạch công việc không những trong 14 ngày cách ly mà hệ lụy cả những ngày sau cách ly cũng không hề nhỏ.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên toàn cầu. Để bản thân không trở thành tác nhân lây lan dịch bệnh, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan dù chỉ là một khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống. Tuy nhiên không có nghĩa là chúng ta hoang mang, lo sợ.
Để duy trì và phát triển mọi hoạt động, mọi mặt trong cuộc sống, chúng ta không chỉ trang bị cho mình những kiến thức về công tác phòng, chống dịch mà còn phải trang bị cho bản thân những hiểu biết cơ bản nhất về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực phòng và chống dịch.
Khi chúng ta làm chủ được kiến thức thì chúng ta sẽ làm chủ được hành động và được tự do sống, lao động, học tập và cống hiến trong khuôn khổ pháp luật. Đây cũng là cách để chúng ta đối diện với dịch bệnh trong trạng thái tinh thần tốt nhất để cùng với Đảng, Nhà nước và Đồng bào chung tay đẩy lùi dịch bệnh, phát triển xã hội, xây dựng Đất nước.
QUỲNH TRANG