Liệu pháp tâm lý điều trị các rối loạn tâm thần do Covid-19
1. Dịch Covid-19 gây phản ứng stress cấp
Những người bị nhiễm Covid-19 hoặc bị cách ly phòng lây nhiễm Covid-19... có thể bị phản ứng stress cấp. Biểu hiện lâm sàng của phản ứng stress cấp là các cá nhân có hồi tưởng về các sự kiện khó chịu đã xảy ra.
Những hồi tưởng này tái phát một cách tự phát hay được kích hoạt bởi các kích thích gợi nhớ của những kinh nghiệm đau thương. Nó thường bao gồm cảm giác (ví dụ như người thân mắc bệnh Covid-19 tử vong đột ngột, thấy người thân suy hô hấp phải thở máy), tình cảm (ví dụ trải qua những nỗi sợ hãi của việc tin rằng mình sắp bị nhiễm Covid-19), hoặc sinh lý (ví dụ như những cơn khó thở như gần chết ngạt khi mắc Covid-19).
Học chế ngự sự buồn chán, cảm xúc hoảng loạn bằng các liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý:
Tâm lý liệu pháp đóng vai trò quyết định trong điều trị phản ứng stress cấp. Trước hết phải cô lập được stress. Bệnh nhân cần được đưa ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý càng sớm càng tốt. Khi thoát ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý thì hầu hết bệnh nhân dần trở về trạng thái tâm lý bình thường. Tình trạng lo âu, hốt hoảng, phân ly sẽ giảm đi.
Nhân viên y tế hoặc các thành viên trong gia đình cần giữ vững tình trạng tâm lý cho bệnh nhân. Động viên an ủi bệnh nhân để bệnh nhân nhận thấy rằng nguy hiểm đã qua, giúp họ thư giãn, hướng dẫn cách tập thở chậm để giảm bớt các triệu chứng khó chịu về cơ thể.
Tránh gợi lại các khía cạnh của chấn thương tâm lý một cách bừa bãi để bệnh nhân không phải sống lại các ký ức đau buồn của chấn thương tâm lý.
Liệu pháp tâm lý cá nhân có thể áp dụng. Nhìn chung trong giai đoạn này bệnh nhân thường cần có người bên cạnh, động viên giúp đỡ họ lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
Các liệu pháp tâm lý nhận thức, hành vi nói chung là không cần thiết vì phản ứng stress cấp theo định nghĩa chỉ kéo dài không quá một tháng rồi tự hết.
2. Cơn hoảng sợ kịch phát
Rối loạn hoảng sợ được đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ có tính chất kịch phát (còn gọi là cơn tấn công hoảng sợ). Cơn hoảng sợ xuất hiện đột ngột, sợ hãi vô cùng mạnh mẽ. Bệnh nhân có cảm tưởng sắp chết, cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim bị phát điên hoặc mất kiểm soát bản thân. Cơn hoảng sợ kịch phát thường hay tái phát, mỗi cơn kéo dài 5-20 phút, nhưng đôi khi có thể kéo dài tới 1 giờ.
Liệu pháp tâm lý:
- Khuyên bệnh nhân làm các bước sau đây, khi một cơn hoảng sợ xuất hiện:
+ Ngồi tại chỗ cho đến khi cơn hoảng sợ qua đi.
+ Tập trung vào việc chế ngự lo âu song không cần quan tâm đến các triệu chứng về cơ thể.
+ Tiến hành thở chậm, thư giãn, không thở quá sâu hay quá nhanh (tăng thông khí) vì có thể gây ra các triệu chứng cơ thể của cơn hoảng sợ. Việc kiểm soát nhịp thở làm giảm các triệu chứng cơ thể này.
+ Tự nhủ rằng đó là một cơn hoảng sợ, các cảm giác và ý nghĩ sợ hãi sẽ mau chóng qua đi. Chú ý vào thời gian đang trôi qua trên đồng hồ. Cảm giác của bệnh nhân có thể là lâu, nhưng thực ra chỉ kéo dài trong vài phút.
- Xác định những nỗi lo đó bị khuếch đại và xuất hiện trong cơn hoảng sợ (ví dụ bệnh nhân cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim).
- Thảo luận cách đương đầu với nỗi lo trong cơn hoảng sợ đó (ví dụ bệnh nhân tự nhủ tôi không bị nhồi máu cơ tim, đó chỉ là một cơ hoảng sợ và sẽ qua đi trong vài phút).
Đại dịch Covid-19 kéo dài cùng nhiều hệ lụy tác động đến kinh tế, việc làm, sức khỏe khiến không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tâm lý
3. Rối loạn thích ứng do Covid-19
Triệu chứng rối loạn thích ứng do Covid-19 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Người lớn thường có lo âu, trầm cảm còn trẻ em và người già thường có triệu chứng cơ thể.
Rối loạn thích ứng với lo âu: Bệnh nhân lo lắng quá mức không thể kiểm soát, luôn căng thẳng, trí nhớ trống rỗng, các triệu chứng lo âu về cơ thể như đánh trống ngực, đau đầu, đau bụng, đau ngực, đau cơ, run tay, vã mồ hôi... và kích động là rất hay gặp.
Rối loạn thích ứng với trầm cảm: Nổi bật là tâm trạng buồn, chán, bi quan, vô vọng, mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn, khó chú ý, trí nhớ kém, ý định và hành vi tự sát.
Rối loạn thích ứng với rối loạn hành vi: Bệnh nhân có sự xáo trộn về hành vi, chủ yếu là liên quan đến vi phạm các qui định về phòng chống dịch (bắt buộc đeo khẩu trang, không được tự do di chuyển, đánh nhau, đập phá, bỏ học online...).
Liệu pháp tâm lý:
- Khuyến khích bệnh nhân tập thư giãn hàng ngày để giảm các triệu chứng cơ thể do lo âu, căng thẳng gây ra.
- Khuyến khích bệnh nhân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, tập thể thao trong phạm vi khu cách ly.
- Xác định và đối phó với nỗi lo buồn đó được khuếch đại có thể làm giảm được các triệu chứng lo âu:
+ Xác định các mối lo âu đó bị khuếch đại hoặc có ý nghĩa bi quan (ví dụ mình có thể bị lây nhiễm Covid-19).
+ Thảo luận cách đối đầu với mối lo sợ đó bị cường điệu khi chúng xuất hiện. (ví dụ bệnh nhân có thể tự nhủ rằng "mình đang bắt đầu bị lo âu, mình tuân thủ tốt giãn cách xã hội, luôn mang khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh nên mình sẽ không bị lây nhiễm ").
- Các phương pháp giải quyết các vấn đề cuộc sống hiện tại hoặc giúp chế ngự stress, mà các yếu tố đó góp phần gây các triệu chứng lo âu:
+ Xác định các sự kiện gây ra hiện tượng lo âu quá mức (ví dụ một người phụ nữ trẻ có biểu hiện lo âu, căng thẳng, buồn nôn, mất ngủ. Các triệu chứng này bắt đầu sau khi khoong thể đi chợ, đi siêu thị mua thức ăn và vật dụng sinh hoạt hàng ngày).
+ Thảo luận bệnh nhân sẽ làm gì để chế ngự tình huống này. Xác định các việc đó và củng cố, phát huy tác dụng của chúng.
+ Xác định một số hoạt động mà bệnh nhân có thể làm trong vài ngày tới như:
- Trao đổi online với bạn bè, người cùng cơ quan... cách đi chợ mua sắm lương thực, thực phẩm...
- Thảo luận với tổ dân phố về phiếu đi chợ, các cửa hàng được phép đến mua bán những thứ cần thiết.
- Viết ra kế hoặch đi chợ mua sắm.
- Tập thể dục điều độ cũng có hiệu quả làm giảm lo âu.
PGS. TS. BÙI QUANG HUY
CNK Tâm thần, BV Quân y 103