Những hiểu biết cần thiết về Vitamin K
1-Vai trò của Vitamin K
Có 2 loại vitamin K dạng tự nhiên là vitamin K1 hay còn gọi là phylloquinone được tìm thấy trong thức ăn tự nhiên và vitamin K2 hay còn gọi là menaquinone được tạo ra bởi các loại vi khuẩn có ích ở trong ruột.
Có 3 dạng vitamin K tổng hợp là vitamin K3, K4, và K5. Vitamin K1 và K2 tự nhiên là không độc, dạng tổng hợp K3 (menadione) lại độc tính.
Vậy vitamin K có vai trò gì với cơ thể con người?
Đối với người lớn
Vitamin K hỗ trợ quá trình cầm máu, đông máu khi cơ thể có vết thương và đây được xem là một phản ứng phòng vệ của cơ thể. Do đó, vitamin K còn có cách gọi khác là vitamin kháng xuất huyết.
Vitamin K giúp phòng chống căn bệnh loãng xương, hỗ trợ xương chắc khỏe nhất là với những phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh.
Vitamin K còn có thể chống lại bệnh xơ vữa động mạch và các bệnh lý khác liên quan tới tim mạch.
Ngoài ra, vitamin K cũng có thể giúp cơ thể phòng chống lại bệnh ung thư và có gần 20% giúp giảm tỷ lệ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2.
Đối với trẻ em
Vitamin K đóng góp vai trò trong quá trình đông máu, giúp ngăn ngừa tình trạng xuất huyết ở trẻ.
Vitamin K hỗ trợ vào sự hình thành và phát triển xương khớp và tăng khả năng hấp thụ canxi tốt hơn.
Những hiểu biết cần thiết về Vitamin K |
2. Biểu hiện khi cơ thể thiếu vitamin K
Biểu hiện thiếu vitamin K trên cơ thể khá dễ nhận biết. Tuy nhiên, khi những biểu hiện này có dấu hiệu kết hợp với nhau, người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra để biết về khả năng thiếu vitamin K trong cơ thể.
Có vấn đề về tim
Khi cơ thể thiếu vitamin K hoặc ở mức thấp, canxi có thể lắng đọng trong các mô mềm như động mạch thay vì xương. Điều này không chỉ làm yếu xương, mà còn khiến mạch máu bị vôi hóa, là nguy cơ của bệnh mạch vành. Những người mắc bệnh thận mãn tính sẽ có nguy cơ vôi hóa mạch máu cao hơn người bình thường.
Không cầm máu, chảy máu quá nhiều
Khi gặp chấn thương mà không được cầm máu nhanh chóng, bạn có thể mất một lượng máu và có nguy cơ tử vong do chấn thương sẽ có dấu hiệu tăng lên. Một số biểu hiện như chảy máu cam, máu chảy trong nước tiểu hoặc phân, chảy máu chân răng, kinh nguyệt nhiều…
Hệ xương yếu
Nếu cơ thể nhận được lượng vitamin K lớn hơn, mật độ khoáng xương cao hơn và nguy cơ gãy cổ xương đùi sẽ thấp hơn.
Các triệu chứng viêm khớp
Khi cơ thể thiếu vitamin K hoặc nồng độ vitamin K giảm quá thấp, xương và sụn sẽ không còn nhận được các khoáng chất cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn.
3. Thiếu vitamin K gây bệnh gì?
Thiếu vitamin K thường xảy ra ở những người bận rộn, hay ăn thức ăn vặt hoặc thực phẩm chế biến sẵn thiếu rau xanh lá. Khi người lớn bị thiếu hụt vitamin K sẽ gặp phải các bệnh lý sau.
Bệnh tim
Vitamin K2 liên quan trực tiếp tới sự vôi hóa động mạch, do đó thiếu hụt vitamin K2 dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Có khoảng 57% bệnh nhân tử vong do tim ngừng đập có nguyên nhân là thiếu vitamin K2. Do đó, cần tăng cường vitamin K2 cho cơ thể để chống và phòng ngừa các bệnh tim mạch.
Ung thư
Vitamin K có thể giúp cơ thể chống ung thư, nếu thiếu vitamin K cơ thể có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt...
Loãng xương
Vitamin K không những giúp máu đông mà còn bổ sung chất vôi hóa và chuyển hóa trong xương. Khi thiếu vitamin K thì dễ dẫn đến chứng loãng xương, nhất là ở người trên 40 tuổi khi xương không còn chắc khỏe mà bắt đầu thoái hóa.
Chảy máu nhiều
Vitamin K giúp ngăn chặn việc chảy máu cả bên trong và ngoài cơ thể. Do đó, thiếu vitamin K có thể dẫn tới chảy máu quá mức ngay cả khi chỉ bị thương nhẹ.
Dễ bị bầm tím
Thiếu vitamin K, cơ thể dễ bị các vết bầm tím và chảy máu nhiều hơn. Nghiên cứu cho thấy ở những người ăn nhiều bông cải xanh, rau diếp... hay thực phẩm chứa nhiều vitamin K ít bị vết bầm tím trên cơ thể hơn.
Nhanh lão hóa
Vitamin K không phải là yếu tố gây ra các nếp nhăn, song việc thiếu hụt vitamin K lại dẫn đến các bệnh lý xương yếu, bệnh tim mạch... khiến bạn già trước tuổi.
Đặc biệt, nếu trẻ sơ sinh thiếu vitamin K, hậu quả nặng nề hơn là gây các khuyết tật về xương, mũi, mặt, ngón tay, ống thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng học tập, tiếp thu và tư duy... Do đó, trẻ cần được thường xuyên kiểm tra và đảm bảo lượng vitamin K hấp thụ được đầy đủ.
4. Những loại thực phẩm nào giàu vitamin K?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta chỉ nên bổ sung vitamin K1 (có nguồn gốc thực vật) hoặc K2 (nguồn gốc vi khuẩn). Không nên bổ sung vitamin K3 vì khi dùng dễ sinh ra gốc tự do. Cách bổ sung vitamin K an toàn nhất là thông qua thực phẩm hàng ngày.
Vitamin K1 có nhiều trong rau có màu xanh đậm như rau càng cua, súp lơ, salad, cải bắp. Các loại rau họ cải là nguồn cung cấp lượng vitamin K rất dồi dào.
Ngoài ra, rau bina, củ cải xanh, củ cải đường, rau cải xanh cũng chứa một lượng lớn chất dinh dưỡng này.
Mùi tây cũng là thực phẩm hàng đầu cung cấp loại vitamin quan trọng này. Ngoài ra, bạn có thể tìm thấy vitamin K trong lá bạc hà, húng quế và tỏi.
Nhiều loại hoa quả ngon và bổ dưỡng khác cũng chứa một hàm lượng khá lớn vitamin K như mận, kiwi, bơ, cà chua.
Dầu ôliu, trứng, thịt gà, cà rốt, măng tây, cần tây, dưa chuột, xà lách, trái cây sấy khô, đinh hương cũng là những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin K.
Còn vitamin K2 chứa nhiều trong phô mai lên men và các sản phẩm lên men từ đỗ tương./.