Thanh Hóa: Đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào nề nếp
Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dần đi vào nề nếp |
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 330 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh đã cấp phép còn hiệu lực. Riêng cát làm vật liệu xây dựng thông thường có 29 giấy phép với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 7,9 triệu m3, tổng công suất năm 0,757 triệu m3/năm. Dưới các nhìn khách quan, hầu hết các đơn vị được cấp phép đã và đang thực hiện khai thác theo quy hoạch, mang lại hiệu quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng địa bàn huyện Thiệu Hóa được xem là địa phương có nhiều mỏ khai thác cát, sỏi lòng sông được cấp phép hoạt động. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND huyện Thiệu Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong hoạt động này; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra khai thác tài nguyên khoáng sản.
Camera được lắp đặt tại mỏ cát số 66, để giám sát chặt chẽ việc quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản |
Việc tăng cường kiểm tra phát hiện và xử phạt vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, kinh doanh khoáng sản trong thời gian qua của huyện Thiệu Hóa đã góp phần đưa hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đi vào nền nếp, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính và tâm huyết, sau khi được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép đã “bắt tay” vào đầu tư bài bản về công nghệ khai thác, giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, tạo việc làm cho người lao động.
Một trong những doanh nghiệp chấp hành quy định của Luật Khoáng sản 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2018), phải kể đến Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung (Tập đoàn Xây dựng Miền Trung). Đây là đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản số 211/GP-UBND ngày 30/12/2019 tại xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa. Mỏ cát số 66 diện tích mỏ cát là 3,65 ha, công suất khai thác 29.300 m3/năm, với thời hạn là 05 năm.
Trước khi tiến hành khai thác, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đã thả phao mốc giới đầy đủ, đăng ký số lượng tàu, thuyền với cơ quan chức năng… |
Trước khi tiến hành khai thác, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế mỏ, cắm đầy đủ các mốc giới và đăng ký số lượng tàu, thuyền. Sau gần 4 năm khai thác, đơn vị luôn thực hiện đúng với nội dung của Bản cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các phương pháp, quy trình kỹ thuật, an toàn công trình mỏ, chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống các sự cố, tận dụng tối đa các sản phẩm khai thác từ mỏ…
Cũng tại buổi kiểm tra vào ngày 8/05/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Thiệu Hóa và UBND xã Thiệu Quang cho thấy: Tại thời điểm kiểm tra thực địa mỏ cát số 66, đơn vị đã thả phao mốc đầy đủ, đúng vị trí trong giấy phép số số 211/GP-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh.
Qua theo dõi bằng hệ thống camera, kiểm tra thực tế và ý kiến của người dân: Đánh giá chủ mỏ không có hành vi vi phạm, quá trình khắc phục không ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác sản xuất nông nghiệp trồng màu của người dân; không rơi vãi vật liệu, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến hành lang đê điều, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, không có đơn thư khiếu kiện…
Theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Miền Trung: Trong quá trình khai thác khoáng sản tại mỏ cát số 66 trên địa bàn xã Thiệu Quang, Công ty luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Định kỳ, mỏ cát số 66 đều được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát việc chấp hành khai thác khoáng sản đúng tọa độ, trữ lượng và công suất theo quy định. Thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung trong cam kết bảo vệ môi trường, cắm đầy đủ các mốc giới, đầu tư hệ thống camera giám sát để theo dõi tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản, có biện pháp gia cố để bảo vệ hành lang đê điều và diện tích đất canh tác của người dân địa phương. Hàng năm, Công ty luôn có trách nhiệm trong việc hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Viết Tứ, Chủ tịch UBND xã Thiệu Quang cho biết: Hiện nay, Công ty khai thác mỏ cát số 66 trên địa bàn xã đã chấp hành theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các tàu, thuyền thực hiện khai thác trong mỏ Công ty đã có đăng ký với cơ quan chức năng. Sau khi gia cố bờ sông, phía UBND xã cũng chưa nhận được ý kiến phản ánh của người dân về việc khai thác cát gây ảnh hưởng đến đất canh tác.