Vượt mọi khó khăn chống dịch ở Tây Nguyên
Mầm bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng
Người dân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Tây Nguyên
Tính đến ngày 12/5, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng là BN 3237 và BN 3334. Hàng trăm nhân viên y tế đã được điều chuyển vào các điểm có yếu tố dịch tễ để truy vết thần tốc, xuyên ngày đêm lấy mẫu xét nghiệm. Hàng trăm hộ dân sinh sống liên quan đến F0, F1 được cơ quan chức năng tiến hành cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tập trung, tại nhà và nơi cư trú. Thống kê cho thấy, hầu hết người dân đều âm tính với Covid-19.
Tại Đà Lạt, dù chưa ghi nhận ca dương tính nào, nhưng chính quyền địa phương luôn trong trạng thái đề cao cảnh giác. Mới đây, liên quan bệnh nhân 3141, tỉnh truy vết được 237 trường hợp F1 và 536 trường hợp F2. Tất cả đều cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với Covid-19 và đang đợi xét nghiệm lần 2.
Tây Nguyên là vùng có tuyến biên giới dài tiếp giáp với các tỉnh giáp ranh giới Lào, Campuchia với hàng trăm đường mòn lối mở. Rất nhiều đối tượng đã tận dụng các tuyến đường trên để vượt biên trái phép về nước, mang theo mầm bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.
Trước đó, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, trong thời điểm dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, đồn Biên phòng Ia Rvê (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện và xử lý 13 đối tượng có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Từ tháng 3/2020 đến nay, lực lượng đã xử lý 64 vụ, 159 đối tượng vi phạm xuất, nhập cảnh trái phép. Tất cả trường hợp vượt biên trái phép đều được đưa đi cách ly theo quy định và có hình thức xử lý răn đe phù hợp.
Nỗ lực vượt khó khăn để chống dịch
Để phòng chống dịch Covid-19, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện khoanh vùng, xét nghiệm dịch tễ, cách ly những người dân có liên quan. Lực lượng cũng tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, hạn chế việc tập trung đông người, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp di chuyển trái quy định.
Một trong những khó khăn thường trực lớn nhất của các y, bác sĩ là phải vượt rừng, băng suối truy vết phòng chống dịch bệnh ở nơi bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì bộ phận người dân mang tâm lý e ngại, dân trí thấp, nhân viên y tế phải tuyên truyền vận động thực hiện các quy định của ngành y tế để chống dịch hiệu quả.
Các ngành chức năng của TP Buôn Ma Thuột triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại hẻm 189/1/25 đường Mai Hắc Đế, phường Tân Thành ngay khi phát hiện ca nhiễm
Nhiều lần ngồi xe công nông vào các buôn làng vùng sâu ở Tây Nguyên chống dịch, bác sĩ Lê Văn Vinh (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Có những hôm vật lộn từ sáng đến đêm, người mệt lả đi nhưng quyết vượt rừng, xuyên qua các ruộng rẫy để truy vết thêm ca F1 nào hay ca đấy. Ai cũng tâm niệm phải tiết kiệm từng phút, và quyết tâm cao độ”.
Theo các cán bộ, nhân viên y tế: “Có khi vừa ngả lưng, chưa kịp nghỉ đã phải bật dậy với bộ quần áo bảo hộ dày cộm. Có khi ban ngày chưa truy vết được thì đêm truy tiếp. Những phút giải lao hiếm hoi tranh thủ nghỉ ngay bên bàn làm việc.” Động lực thôi thúc mạnh mẽ nhất với mỗi người là khát vọng khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Còn ở các vùng biên giới, cửa khẩu, tấm lá chắn được thiết lập vững vàng nhờ các đồng chí bộ đội nhiệt huyết canh gác kiểm soát, cách ly các trường hợp nhập cảnh trái phép. Các đơn vị y tế tuyến xã, huyện phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Địa phương cũng nhấn mạnh, dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch cần được triển khai theo nhiều kịch bản, đảm bảo sự an toàn cho người dân.
HỮU LONG