“Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở Việt Nam”
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận và lấy ý kiến đóng góp về quy định pháp luật và chính sách liên quan đến thành lập và quản lý KBTB, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bàn giải pháp quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển. Kinh tế biển xanh hiện đã được hầu hết các quốc gia công nhận là giải pháp phát triển bền vững biển và dần đưa thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược, chính sách phát triển. Kinh tế biển xanh được hiểu là “sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đại dương nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khỏe của các hệ sinh thái biển, đại dương”. Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam cũng xác định kinh tế biển xanh là nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Trước đó, các đại biểu đã được tập huấn Tích hợp nâng cao năng lực quản lý hiệu quả mạng lưới Khu bảo tồn biển, vườn quốc gia tại Việt Nam. Với việc kết hợp hoạt động tập huấn và hội thảo, ngoài những kiến thức kỹ năng được tập huấn, đại diện các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia trên cả nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi chia sẻ thông tin kinh nghiệm và hợp tác, đồng thời đóng góp ý kiến cho các quy định và đề án nói trên. Sự tham gia của mạng lưới khu bảo tồn biển và vườn quốc gia trên trong quá trình tham vấn nhằm giúp cho cơ quan quản lý có thêm những đóng góp từ kinh nghiệm thực tiễn, góp phần thúc đẩy hiệu quả quản lý mạng lưới các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia trên tại Việt Nam.
Theo đại diện Tổng cục Thủy sản: Trong bối cảnh nhận thức về kinh tế biển xanh còn chưa đầy đủ, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, môi trường biển bị thay đổi theo chiều hướng xấu hơn. Ngày càng nhiều chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa, không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển làm gia tăng mức độ ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ hải sản. Nhằm giải quyết các vấn đề môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa, Chính phủ đã ban hành các quy định và thực hiện các cam kết như Mục tiêu số 14 trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc về “Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững”; Quyết định 1746/QĐ-CP về “Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 12/2019. Theo đó, đến năm 2025, 80% các KBTB không còn rác thải nhựa và đến năm 2030, 100% các KBTB không còn rác thải nhựa; Quyết định 687 ngày 5/2/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về “Kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021 - 2030 xác định đến năm 2025, 100% các KBTB xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa.
Các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các hệ sinh thái này đã tạo tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá, nuôi trồng, du lịch biển... Hệ thống các KBTB được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hoà môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế ở địa phương lâu dài. Việc thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống các KBTB không chỉ nhằm bảo toàn toàn tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh dựa vào các nguồn lực tự nhiên mà còn có ý nghĩa pháp lý to lớn, góp thêm cơ sở và cung cấp các công cụ hành chính và pháp luật trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích của nước ta ở Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.
Việc mở rộng diện tích các KBTB trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh. Quản lý hiệu quả các KBTB được xem là một trong những phương thức hữu hiệu, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo đảm nhu cầu sinh kế của ngư dân,...Tuy nhiên, trên thực tế các KBTB và Vườn Quốc gia (VQG) rất cần được hỗ trợ cả về tài chính lẫn kỹ thuật, nâng cao năng lực để có thể thực hiện được các nhiệm vụ được giao cũng như có thể chủ động hơn trong công tác bảo tồn. Quản lý hiệu quả mạng lưới các KBTB là một phần không thể tách rời khi đầu tư vào kinh tế biển xanh song song với đầu tư cho nguồn vốn thiên nhiên và cho các hệ sinh thái. Đồng thời, cần tiến hành các hoạt động kiểm kê, đánh giá các “nguồn vốn tự nhiên biển, đảo” và các hoạt động quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái để tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu xung đột trong khai thác, sử dụng biển.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, hệ thống các kinh tế biển xanh được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hoà môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế ở địa phương lâu dài. Việc mở rộng diện tích các khu bảo tồn biển trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh, được xem là một trong những phương thức hữu hiệu, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo đảm nhu cầu sinh kế của ngư dân. Quản lý hiệu quả mạng lưới các khu bảo tồn biển là một phần không thể tách rời khi đầu tư vào kinh tế biển xanh song song với đầu tư cho nguồn vốn thiên nhiên và cho các hệ sinh thái. Thời gian tới, Việt Nam cần tiến hành các hoạt động kiểm kê, đánh giá các “nguồn vốn tự nhiên biển, đảo” và các hoạt động quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái để tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu xung đột trong khai thác, sử dụng biển.
P. V