Quảng Bình: Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè
Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã tích cực chủ động tham mưu triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH), bệnh dại, sởi, ho gà, bạch hầu và các bệnh dự phòng bằng vắc xin... Đến nay, các nhóm bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR), các bệnh mới nổi, tái nổi, như: Cúm AH5N1, H7N9, MerS-CoV; các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A, như: Tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch… chưa ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh. Quảng Bình vẫn là 1 trong những tỉnh tốp đầu của khu vực miền Trung đang chủ động khống chế tốt các loại dịch bệnh trong năm 2024.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có tăng nhẹ. Đã ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại tại xã Mỹ Trạch (Bố Trạch) hồi đầu tháng 2. Cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua lần đầu tiên sau nhiều năm, Quảng Bình ghi nhận 3 ca là trẻ nhỏ mắc bệnh ho gà tại bản Sắt, xã Trường Sơn (Quảng Ninh), các trẻ đều chưa tiêm vắc xin có thành phần ho gà trong CTTCMR. Ngay khi phát hiện ca bệnh, CDC QB đã trực tiếp phối hợp với Trạm Y tế xã Trường Sơn (Quảng Ninh) tiến hành giám sát, điều tra xác minh thông tin các ca bệnh, điều tra dịch tễ tại cộng đồng, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ. Đồng thời, hướng dẫn trạm y tế tăng cường tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh ho gà để người dân chủ động phòng, chống, lợi ích của các loại vắc xin trong CTTCMR; tổ chức tiêm bù, tiêm vét vắc xin có thành phần ho gà cho những trẻ thuộc đối tượng TCMR chưa được tiêm vắc xin đầy đủ và toàn bộ số trẻ dưới 5 tuổi trong bản. Hiện tại bản Sắt chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh ho gà nào. 3 trẻ mắc bệnh đã được điều trị khỏi, xuất viện về nhà an toàn. Ổ dịch đã được khống chế, kiểm soát chặt chẽ.
Giám đốc CDC QB - bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh: Hiện đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh. Đây cũng là dịp cao điểm du lịch hè 2024, nhu cầu giao thương, đi lại nhiều, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè tăng, nhất là SXH đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm nên chúng ta không thể chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh trong cộng đồng.
Để chủ động kiểm soát, không để SXH bùng phát, định kỳ hàng tháng, CDC QB triển khai giám sát véc tơ tại 8 xã trọng điểm: Cảnh Dương (Quảng Trạch), Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), Đức Trạch, Hoàn Lão (Bố Trạch), Bắc Lý, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Tân Ninh (Quảng Ninh), Lộc Thủy (Lệ Thủy); theo dõi thường xuyên chỉ số côn trùng, kịp thời có những cảnh báo, hướng dẫn cho các địa phương trong công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã có nguy cơ cao và phun xử lý ổ dịch ghi nhận ca bệnh.
Tính đến ngày 22/7/2024, toàn tỉnh ghi nhận 534 ca mắc SXH, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2023 (534/170 ca), không có ca nặng và tử vong. Tất cả 8/8 huyện, thị xã, thành phố đều đã ghi nhận ca mắc SXH. Địa phương có số ca mắc SXH cao nhất đến thời điểm hiện tại là huyện Quảng Ninh 133 ca, tăng 7,3 lần so cùng kỳ; Bố Trạch 131 ca, tăng 4,8 lần so cùng kỳ và TP. Đồng Hới 107 ca, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Là địa phương luôn có số ca mắc SXH cao, Bố Trạch đã và đang chủ động khống chế các ổ dịch, không để bùng phát mạnh. Theo Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật-Tư vấn điều trị nghiện chất (TTYT Bố Trạch) bác sĩ Đỗ Xuân Tính cho biết: Để chủ động kiểm soát khi SXH đang giai đoạn vào mùa cao điểm, ngày 19/7 vừa qua, TTYT huyện đã thành lập tổ công tác phòng, chống SXH để tăng cường kiểm tra, giám sát, điều tra các chỉ số côn trùng, hỗ trợ các trạm y tế xã, thị trấn phòng, chống dịch SXH. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân; tổ chức các đợt ra quân diệt lăng quăng/bọ gậy… nhằm huy cả động cộng đồng tham gia phòng, chống SXH.
Ngay sau khi thành lập, tổ công tác đã triển khai truyền thông và tổ chức làm vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy, giám sát dịch tễ tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch), trong đó tập trung vào Nhân Đức và Nhân Bắc là 2 thôn có số ca mắc cao. Chỉ đạo trạm y tế xã tăng cường công tác giám sát, theo dõi các ổ dịch cũ, phát hiện kịp thời các ổ dịch mới để tiến hành khống chế, không để dịch lan rộng; thành lập tổ xung kích diệt loăng quăng/bọ gậy tại các thôn/xóm với thành phần hội phụ nữ, đoàn thanh niên, công an viên, y tế thôn bản... định kỳ hàng tuần kiểm tra, hướng dẫn diệt loăng quăng/bọ gậy đến từng hộ gia đình, cơ quan xí nghiệp đóng trên địa bàn.
Trước đó, trong các ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7, TTYT huyện Bố Trạch cũng đã tập trung gần 100 lít hóa chất, vật tư, nhân lực triển khai phun hóa chất diệt muỗi chủ động ở các xã ghi nhận chỉ số vectơ ở mức cao, nguy cơ cao bùng phát thành dịch. Gần 4.000 hộ dân của toàn bộ 8 thôn xã Đại Trạch; 3 thôn của xã Thanh Trạch và khu vực chợ, các trường học, cơ quan đóng trên địa bàn xã đã được bảo vệ bằng hóa chất phòng chống SXH.
Chị Phong Lan, đại diện Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: “Thống kê trong một tuần sau khi xuất hiện ca tử vong do bạch hầu tại Nghệ An, toàn Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận lượt tiêm ngừa bạch hầu tăng đột biến, trong đó Trung tâm Tiêm chủng VNVC Quảng Bình tăng hơn 1.000%. Đối tượng đến tiêm vắc xin đa dạng, trong đó ghi nhận đối tượng trẻ em tiền học đường, thanh thiếu niên và người lớn tiêm tăng cao nhất”.
Giám đốc CDC QB - bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp cho biết: Trước đây, bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Từ năm 1985, vắc xin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào CTTCMR, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tập trung ở độ tuổi dưới 15. Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu.