Số trường hợp tử vong do tai nạn thương tích tại Việt Nam còn cao
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông |
Tại Việt Nam, trong mô hình bệnh tật, tai nạn thương tích chiếm tỷ lệ 11,3%. "Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2019-2023, mỗi năm có hơn 30.000 người tử vong do tai nạn thương tích, chiếm 7% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trung bình khoảng hơn 80 người tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước và tai nạn lao động là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do tai nạn thương tích. Đặc biệt, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do mọi nguyên nhân ở trẻ em 1 -14 tuổi; tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do mọi nguyên nhân cho trẻ em từ 15-19 tuổi và nhóm từ 20-39 tuổi.
Kết quả nghiên cứu "Thực trạng tử vong do tai nạn thương tích tại Việt Nam giai đoạn 2012-2022" do Bộ Y tế thực hiện cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 33.619 người chết do tai nạn thương tích, với tỷ suất 36,73 trên 100 nghìn dân. Phần lớn người chết là nam giới, chiếm 25.736 trường hợp (76,5%). Xét về nhóm độ tuổi, nhóm tuổi từ 20 đến 59 tuổi có tỷ lệ tử vong cao nhất do tai nạn thương tích (65,79%), tiếp đến là nhóm hơn 60 tuổi (17,08%) và nhóm từ 15 đến 19 tuổi (7,06%) và nhóm từ 0 đến 4 tuổi có tỷ lệ 4,18%.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động và chính sách nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích. Trong đó có những những quy định cụ thể vể hoạt động sơ cứu tai nạn thương tích do người có kiến thức hoặc đã qua đào tạo về cấp cứu ngoại viện thực hiện (Luật Khám, chữa bệnh số 15/2023/QH13). Các quy định mới về thiết bị an toàn đối với trẻ em tham gia giao thông trên xe ô tô (Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ được thông qua ngày 27/6/2024). Triển khai Chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 và một số chương trình, dự án can thiệp dựa vào bằng chứng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng của ngành y tế giai đoạn 2021-2025. Với các mục tiêu nâng cao năng lực chỉ đạo, tổ chức, triển khai, giám sát các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng, sơ cấp cứu và điều trị của ngành y tế; tập trung vào các loại hình tai nạn thương tích gây tử vong cao góp phần nâng cao sức khỏe và an toàn cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn nhận diện các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích, biện pháp dự phòng và sơ cấp cứu tai nạn giao thông…
Với nỗ lực nêu trên, từ năm 2012 đến nay, tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích trên 100 nghìn dân giảm khoảng 28%; gần 500 xã, phường được công nhận cộng đồng an toàn-phòng chống tai nạn thương tích. Mặc dù vậy, số trường hợp tử vong vẫn duy trì ở mức cao, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn thương tích.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tai nạn thương tích, nhất là giảm số người chết do tai nạn thương tích gây ra, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và người dân cần triển khai các can thiệp cụ thể như dạy bơi, loại bỏ nguy cơ thương tích tại nhà, tại trường học và nơi công cộng.
Ngành Y tế cần tiếp tục nâng cao khả năng cấp cứu ngoại viện như dịch vụ vận chuyển cấp cứu, đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu; tăng cường năng lực sơ cứu tại chỗ cho các nhóm đối tượng; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về tai nạn thương tích thông qua mạng lưới y tế cơ sở…nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông, phòng chống đuối nước ở trẻ em cũng như cải thiện các biện pháp an toàn lao động; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cấp cứu ở các khu vực khó tiếp cận; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, giao thông, giáo dục từ đó giúp cho việc xây dựng những chương trình can thiệp đạt hiệu quả cao hơn nữa trong cộng đồng dân cư trên toàn quốc.