Nâng cao chất lượng cấp cứu trước viện tại các tỉnh miền núi phía Bắc
Công tác cứu chữa điều trị các nạn nhân do bão lũ được thực hiện cấp thiết (Ảnh nguồn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức). |
Tại thời điểm đó, những người bị thương đều được sơ cứu tại bệnh viện tuyến huyện trước khi đưa về bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội; hoặc được các bệnh viện tuyến cuối tổ chức hội chẩn trực tuyến để cứu sống nạn nhân. Cầu truyền hình trực tuyến của Bệnh viện Việt Đức luôn mở 24h/ngày sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn từ xa cho các bệnh viện tuyến dưới, vì vậy nhiều bệnh nhân bị đa chấn thương rất nặng đã được cứu sống kịp thời. Hội đồng chuyên môn bao gồm nhiều chuyên gia tại các Khoa, phòng của Bệnh viện Bạch Mai cũng sẵn sàng hội chẩn từ xa, hỗ trợ cho đồng nghiệp ở các tỉnh chịu ảnh hưởng của mưa bão. Ngoài ra, 02 bệnh viện này còn tổ chức các đội cấp cứu xung kích sẵn sàng khởi hành ứng phó khẩn cấp khi có yêu cầu từ những vụ tai nạn thương tích hàng loạt, nhất là những vùng bị cô lập trong lũ.
Thực tế công tác cấp cứu, đặc biệt cấp cứu ngoại viện đòi hỏi đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh, an toàn và đưa người bị tai nạn thương tích về các cơ sở điều trị là điều hết sức cần thiết. Năm 2018, một nghiên cứu cho thấy đối với các nước có mức thu nhập từ trung bình đến thấp, nếu đẩy mạnh phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện đúng nghĩa thì có thể giúp tăng 45% bệnh nhân được cứu sống. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện mới chỉ có 11 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm cấp cứu 115; 18 tỉnh, thành phố có tổ cấp cứu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; 7 tỉnh, thành phố có trung tâm cấp cứu 115 tư nhân và vẫn còn 27 tỉnh, chưa có trung tâm cấp cứu 115.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các Sở Y tế, so với các vùng miền khác trong cả nước, hiện nay tỷ lệ các huyện trung du miền núi phía bắc có đơn vị cấp cứu ngoại viện/ đơn vị vận chuyển ở mức cao (65,3%), chỉ sau bắc Trung bộ và các tỉnh miền Trung (73,1%). Đây là một chỉ số đáng khích lệ. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ cấp cứu trước viện còn bao gồm năng lực chăm sóc cấp cứu y tế ngoại viện; các dịch vụ vận chuyển bằng xe cứu thương. Trên thực tế, tại các tỉnh miền núi phía Bắc tình trạng không đủ xe cấp cứu và năng lực chăm sóc cấp cứu y tế còn hạn chế.
Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái tại Hội nghị Khoa học quốc gia lần thứ 4 về phòng chống tai nạn thương tích, việc triển khai cấp cứu trước viện tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, giao thông không thuận tiện, xe cứu thương khó tiếp cận kịp thời vào vị trí cần cấp cứu. Trong khi đó người dân chưa có thói quen, nhận thức và hiểu biết về liên hệ cấp cứu trước viện. Đặc biệt là trình độ chuyên môn về cấp cứu trước viện còn bất cập từ việc phân loại tình trạng bệnh tại nhà, bệnh viện; sơ cứu, cấp cứu không đúng cách; tiên lượng nguy cơ; chuyển tải thông tin cho cơ sở y tế để chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị cho cấp cứu chuyên sâu chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế phối hợp giữa lực lượng cấp cứu trước viện giữa tư nhân và công lập, chủ yếu theo mối quan hệ cá nhân. Để giải quyết những bất cập này, mới đây ngày 12/12/2024, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quy định tổ chức hệ thống cấp cứu ngoại viện, hệ thống tiếp nhận thông tin và điều phối cấp cứu của nhà nước trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 27/2024 QĐ-UBND ngày 12/12/2024).
Bên cạnh đó, nhiều dự án hỗ trợ phát triển y tế các tỉnh miền núi phía Bắc những năm gần đây cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cấp cứu trước viện như Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía Bắc” giai đoạn 2008 - 2014 của Bộ Y tế; Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (2015-2020); Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” giai đoạn 2020-2024 của ngân hàng thế giới WB (trong đó có các địa phương Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La). Đặc biệt, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được phê duyệt, trong đó có đề xuất nâng cấp, đầu tư bệnh viện đa khoa/chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng và bổ sung bệnh viện đa khoa mới ở vùng trung du miền núi phía Bắc. Đồng thời nâng cấp một số bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh thành bệnh viện đảm nhận chức năng vùng về ung bướu, tim mạch, sản/sản - nhi, lão khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, truyền nhiễm để cung ứng các dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa sâu và hình thành một số trung tâm huyết học - truyền máu, trung tâm ghép tạng tại một số địa phương. Đây sẽ là cơ hội để các tỉnh miền núi nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở y tế, năng lực nhân viên y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn bao gồm hệ thống cấp cứu trước viện.