Đón nhận cây từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh về trồng tại KCN Nam Cầu Kiền
Tham dự và chứng kiến lễ đón nhận có ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; ông Nguyễn Quốc Hải - Phó Chủ tịch CLB Các nhà công thương Việt Nam, Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và phát triển kinh tế IDE; ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền).
Các đại biểu đón nhận cây từ Vườn cây Bác Hồ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Tết trồng cây”trên báo Nhân dân, chính thức khởi xướng và phát động Tết trồng cây. Ngày 20/1/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây” đăng trên báo Hà Đông (nay nay là Hà Nội mới), Người viết: “Muốn xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây...”.
Từ đó, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương các địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở phải quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”. Người đặc biệt lưu ý liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn dặn dò: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”, “Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”.
Vừa qua, hưởng ứng thông điệp “Trồng 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, KCN Nam Cầu Kiền đã phát động chuỗi hành trình “Trồng 1 triệu cây xanh” với mong muốn hội tụ và lan tỏa rộng rãi tinh thần yêu quê hương, Tổ quốc, chung tay vun trồng nên màu xanh của đất nước.
Nhận thấy ý nghĩa tốt đẹp từ hành trình này của KCN Nam Cầu Kiền, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng đồng hành và gửi tặng KCN những loài cây quý được lấy từ Vườn cây Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ: “Việt Nam ta ngày càng có nhiều các KCN, tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường trong hệ thống ấy lại chưa được chú trọng. Lãnh đạo KCN Nam Cầu Kiền với tầm nhìn và chiến lược đã kết hợp rất tốt giữa xây dựng kinh tế đi đôi với trồng cây xanh trong KCN, và đặc biệt là hành trình “trồng 1 triệu cây xanh” vừa được khởi xướng. Tôi cho rằng, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường tại KCN, khẳng định vai trò tiên phong của Nam Cầu Kiền trong phát triển bền vững, theo đúng lời dạy “làm cho đất nước càng ngày càng xanh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời”.
Ông Nguyễn Văn Công đánh giá cao ý nghĩa của hành trình "Trồng 1 triệu cây xanh" tại KCN Nam Cầu Kiền.
Một trong những loại cây được đưa về có cây vú sữa được nhân giống từ cây mà đồng bào miền Nam tặng Bác năm 1955, khi ấy Người đã vô cùng xúc động. Tự tay Bác đã trồng và chăm sóc cây vú sữa. Hàng ngày trước và sau giờ làm việc, Bác thường chăm tưới cho cây, khi mùa đông giá lạnh Bác bảo các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây và lấy mùn tấp vào gốc để chống rét cho cây. Năm 1958 khi chuyển sang ở và làm việc tại nhà sàn, Bác đề nghị đưa cây vú sữa sang trồng cạnh nhà sàn để hàng ngày Bác chăm sóc, để miền Nam luôn ở trong trái tim Người.
Xúc động khi được đón nhận những cây quý từ Vườn cây Bác Hồ, ông Phạm Hồng Điệp cho biết: “Đây là một trong những niềm vinh hạnh lớn lao đối với KCN Nam Cầu Kiền và với cá nhân tôi. Đây cũng là điều vô cùng thiêng liêng bởi Bác Hồ lúc sinh thời đã từng dặn mỗi người phải trồng 1 cây mỗi năm, qua đó sẽ tạo thành rừng. Lời dạy của Bác làm kim chỉ nam cho cộng đồng doanh nghiệp, những cây được mang từ Vườn cây Bác Hồ về KCN Nam Cầu Kiền sẽ trở thành nguồn động lực để chúng tôi cố gắng, nỗ lực tô thêm nhiều màu xanh hơn nữa, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường của dân tộc. Đồng thời, với Hải Phòng, nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi rất muốn phát triển nơi này trên cơ sở thành phố xanh, kinh tế xanh và thành phố thông minh, Nam Cầu Kiền phải trở thành điểm nhấn cho sự phát triển của Hải Phòng, và của Việt Nam”.
Ông Phạm Hồng Điệp quyết tâm đưa Nam Cầu Kiền trở thành KCN sinh thái đầu tiên tại Việt Nam do người Việt làm chủ đầu tư, trong đó có việc trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên nơi làm việc.
Bên cạnh cây vú sữa, một số loại cây khác như: cây hoa mai vàng, cây kim giao, cây đa,... đã được đưa về trồng tại KCN Nam Cầu Kiền, bắt đầu cho hành trình trồng 1 triệu cây xanh. Điều này sẽ làm nên những giá trị tốt đẹp, đưa Nam Cầu Kiền trở thành tấm gương sáng trong việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, xây dựng KCN bền vững.
ĐINH HƯƠNG