Phát triển KCN theo định hướng sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội
Quang cảnh tọa đàm.
Tới dự Tọa đàm, về phía Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh có các đại biểu: Ông Đào Xuân Đức – Phó Trưởng ban Quản lý, Trưởng đoàn; bà Bùi Thị Nữ - Chánh Văn phòng Ban Quản lý, cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban thuộc Ban Quản lý. Về phía Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng, cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường. Về phía TP Hải Phòng, tới dự có ông Trần Ngọc Cường - Phó Trưởng phòng đại diện Ban Quản lý KKT Hải Phòng; ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền. Đại diện đại biểu khách mời tham dự, có ông Nguyễn Thiệu Anh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng (IOHEC).
Mục đích của Tọa đàm là học tập, tham quan về xây dựng mô hình KCN sinh thái ở Hải Phòng, nhằm phục vụ triển khai Đề án “Định hướng phát triển khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Tại buổi Tọa đàm, Chủ tịch HĐQT Phạm Hồng Điệp đã giới thiệu về mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền – đơn vị tiên phong của thành phố Hải Phòng trong đầu tư và phát triển theo định hướng sinh thái, đồng thời nêu lên những lợi thế mà mô hình KCN sinh thái mang lại không chỉ đối với những nhà đầu tư thứ cấp trong KCN, mà còn đối với chính chủ đầu tư KCN và đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội cho khu vực. KCN Nam Cầu Kiền với định hướng xây dựng chiến lược đầu tư xanh, thân thiện với môi trường, lấy bảo vệ môi trường làm cốt lõi cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Đến nay, Nam Cầu Kiền đã cơ bản hoàn thành 8 tiêu chí sinh thái theo quy định của Nhà nước. Điều này mang đến lợi thế to lớn cho nhà đầu tư trong KCN. Với mục đích mang đến một môi trường đầu tư lý tưởng, các doanh nghiệp phát triển cùng chuỗi liên kết cộng sinh trong mô hình kinh tế tuần hoàn. Nam Cầu Kiền đã và đang tiếp tục khẳng định thương hiệu KCN sinh thái đúng nghĩa đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Điệp chia sẻ tại tọa đàm.
Theo TS Mai Văn Sỹ, điều làm nên sự khác biệt cho KCN Nam Cầu Kiền chính là việc xây dựng những công trình, dự án, chương trình khác nhau, như: Công viên sinh thái trong khuôn viên khu xử lý nước thải; đón tiếp hàng trăm đoàn tham quan mỗi năm tới tìm hiểu về phương pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong KCN; các thỏa thuận, hợp tác quốc tế về chuỗi cung ứng tuần hoàn; thực hiện các chuyến công tác tới những địa phương, quốc gia đi đầu về ứng dụng khoa học - công nghệ với KCN xanh...
Ông Phạm Hồng Điệp trao tặng những món quà ý nghĩa tới đoàn đại biểu Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) cùng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, khẳng định, việc học hỏi những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học về lĩnh vực môi trường trong hệ thống kinh tế tuần hoàn của KCN Nam Cầu Kiền chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện đề án “Định hướng phát triển khu chế xuất và khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” trong quý II/2021.
Việc xây dựng đề án sẽ giúp giải quyết phần nào những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động khu chế xuất - KCN, đồng thời đưa ra phương hướng hoạt động trong tương lai phù hợp với xu thế phát triển chung, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Đồng quan điểm, ông Đào Xuân Đức – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội, trong tương lai gần, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lớn giúp thay đổi bộ mặt kinh tế của thành phố. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp thu những kinh nghiệm về mô hình sinh thái và kinh tế tuần hoàn, làm căn cứ, cơ sở cho cho việc thực hiện Đề án “Phát triển khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh”, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của thành phố và đất nước.
Ông Đào Xuân Đức – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn sẽ tiếp thu và áp dụng kinh nghiệm của KCN Nam Cầu Kiền trong quá trình thực hiện đề án của đơn vị.
Cũng tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Thiệu Anh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng, nhận định: “Buổi Tọa đàm diễn ra đúng thời điểm Ngày Quốc tế trái đất (22/4), rất có ý nghĩa để chúng ta trân trọng những giá trị tự nhiên mà trái đất mang lại. Càng ý nghĩa hơn, khi KCN Nam Cầu Kiền đã trở thành KCN sinh thái đúng nghĩa theo 8 tiêu chí của Nghị định 82/NĐ-CP/2018. Tuy nhiên, để phát triển được mô hình kinh tế tuần hoàn trong KCN sinh thái thì còn nhiều khó khăn, nhất là về hành lang pháp lý, ứng dụng khoa học công nghệ, thị trường chất thải… Hiện nay, muốn có cơ chế cho mô hình này, thì bản thân các Ban Quản lý Khu Kinh tế, KCX-KCN phải đưa ra “quy chế, chế tài” riêng, phân loại được từng ngành, dịch vụ, lĩnh vực… hoạt động trong phạm vi quản lý của khu vực, phù hợp đặc thù vùng miền, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Nguyễn Thiệu Anh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng chia sẻ tại tọa đàm.
Đồng thời, Viện trưởng Nguyễn Thiệu Anh cũng cho rằng, với mục đích mang đến một môi trường đầu tư lý tưởng, các doanh nghiệp phát triển cùng chuỗi liên kết cộng sinh trong mô hình KCN sinh thái, thì Nam Cầu Kiền xứng đáng là thương hiệu đáng học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt đối với điều kiện và bối cảnh của TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng như TP Hải Phòng. Từ sau khi Thủ Đức trở thành thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh và Thủy Nguyên cũng được đưa vào quy hoạch hướng tới là thành phố của Hải Phòng, cùng với việc đẩy mạnh triển khai các dự án KCN sinh thái tại 2 địa phương này, thì đây là tiềm năng, cơ hội để các nhà đầu tư hợp tác, giao lưu học tập, nhân rộng mô hình kinh tế xanh. Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thiệu Anh cũng chia sẻ về Đề tài nghiên cứu của Viện IOHEC đang thực hiện tại Nam Cầu Kiền, nhấn mạnh rằng, đây là một sản phẩm khoa học đặc biệt với trí tuệ của người Việt, có thể ứng dụng rộng trên địa bàn cả nước, đồng thời hướng đến việc tạo ra mô hình KCN Kinh tế tuần hoàn trong tương lai gần.
Trong khuôn khổ chương trình học tập kinh nghiệm, sáng cùng ngày, các đại biểu đã tham quan, khảo sát thực tế mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền rộng gần 270ha, đặc biệt đánh giá cao nét đặc sắc về môi trường ở Vườn Nhật, như một công viên sinh thái ngay trong khuôn viên khu xử lý nước thải, tạo nên trung tâm giao lưu về văn hóa – kinh tế - xã hội của cả KCN Nam Cầu Kiền nói chung.
Đoàn đại biểu tới tham quan và trải nghiệm thực tế khu xử lý nước thải của KCN Nam Cầu Kiền.
Tin: MAI PHƯƠNG
Ảnh: BẢO LÂM