Dự phòng thương tích do ngã ở người cao tuổi có tiền sử bệnh mãn tính
Thương tích do ngã ở người cao tuổi |
Người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính, đây là các bệnh gây ra nhiều tác động phức tạp lên cơ thể và là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ngã. Một số bệnh mãn tính đã được xác định làm gia tăng tỷ lệ ngã, bao gồm bệnh Parkinson, suy tim, suy giảm nhận thức, đái tháo đường, viêm khớp, trầm cảm và bệnh thận mạn tính. Tất cả các bệnh mạn tính riêng lẻ đều làm cho tỷ lệ ngã tăng lên. Số lượng và loại bệnh mãn tính đều có tác động đến biến cố ngã. Người mắc càng nhiều bệnh mãn tính thì khả năng ngã càng cao. Đối với loại bệnh mãn tính, khi xem xét các tổ hợp bệnh mãn tính, các nhà nghiên cứu nhận thấy hai nhóm bệnh nhân bị tăng nguy cơ ngã so với các bệnh khác là tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Liên quan đến tăng huyết áp, một số nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến ngã ở người cao tuổi liên quan đến tình trạng bệnh lý và tác dụng phụ của thuốc điều trị. Các cơn tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp tư thế đều có thể gây ngã. Những người cao tuổi bị tăng huyết áp không kiểm soát và hạ huyết áp tư thế đứng có nguy cơ bị ngã tái phát cao hơn 2,5 lần so với những người không bị hạ huyết áp thế đứng.
Trong khi đó, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây rối loạn chức năng sinh lý gián tiếp (như suy giảm khả năng kiểm soát tư thế), làm tăng nguy cơ ngã cho người bệnh. Các cơ chế cụ thể mà COPD gây ra ngã chưa được hiểu đầy đủ, nhưng rối loạn chức năng cơ xương và giảm oxy máu não đã được coi là những yếu tố góp phần thúc đẩy ngã.
Nghiên cứu của tác giả Trương Thị Thùy Dung trên 360 người cao tuổi bị bệnh đái tháo đường Tuyp2 tại Bệnh viện Nội tiết TW Hà Nội trong năm 2023 cho thấy tỷ lệ ngã là 29,2%, trong đó 94,3% ngã một lần và 5,7% ngã nhiều lần. Nghiên cứu của tác giả Phạm Thị Thúy Hoa và các cộng sự ở Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên trên 600 người cao tuổi năm 2022 tại 02 xã thuộc tỉnh Đắk Nông cho thấy tỷ lệ người bị tai nạn thương tích do ngã là cao nhất trong số những trường hợp bị tai nạn thương tích (chiếm 44,9%).
Ngoài ra, người cao tuổi bị loãng xương có nguy cơ cao gãy xương khi bị té ngã. Theo thời gian, độ tuổi càng cao, con người càng mắc nhiều bệnh mãn tính. Người ta đã tìm thấy mối liên hệ giữa tiền sử té ngã với số lượng bệnh tật và sự suy giảm tình trạng sức khỏe. Theo đó, số lần té ngã tăng lên cùng với số lượng bệnh tật hiện mắc. Té ngã, đặc biệt là té ngã nhiều lần, làm tăng nguy cơ bị chấn thương, nhập viện và tử vong ở người cao tuổi.
Ở người cao tuổi, chất lượng cuộc sống có thể bị suy giảm nghiêm trọng sau khi bị ngã và khó có khả năng phục hồi về mức độ vận động ban đầu. Tâm lý lo sợ sau ngã làm cho người cao tuổi bị mất tự tin khi vận động, một số người thậm chí tránh các hoạt động đi lại mua sắm, dọn dẹp nhà cửa... Việc giảm cường độ vận động có thể làm tăng độ cứng và yếu của khớp và tăng nguy cơ bị ngã.
Măc dù ngã là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến chấn thương, nhưng ngã không phải là điều không thể tránh khỏi. Hiệu quả của các hoạt động dự phòng trong thực tế đã làm giảm số lần ngã mới và ngăn ngừa té ngã cho người từ 65 tuổi trở lên.
Các bác sĩ cho rằng việc dự phòng thương tích cho người cao tuổi mắc bệnh mãn tính do ngã cần kết hợp chặt chẽ giữa điều trị bệnh và phòng ngừa ngã. Theo đó, nên ngừng sử dụng các loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ ngã hoặc điều chỉnh liều lượng đến liều thấp nhất có hiệu quả trong quá trình điều trị các bệnh mãn tính. Bệnh nhân cần được đánh giá loãng xương, nếu loãng xương được chẩn đoán, cần điều trị để giảm nguy cơ gãy xương từ việc ngã mới. Bất kỳ rối loạn cụ thể nào khác được xác định là một yếu tố nguy cơ, cần có can thiệp đích (ví dụ, thuốc và vật lý trị liệu có thể làm giảm nguy cơ cho bệnh nhân mắc bệnh Parkinson). Quản lý đau, vật lý trị liệu, và đôi khi phẫu thuật thay thế khớp có thể làm giảm nguy cơ bệnh nhân bị viêm khớp.
Người cao tuổi có tập thể dục hoặc vật lý trị liệu có thể giảm 13% nguy cơ ngã. Các bài tập thể dục nên chú trọng vào sức mạnh, thăng bằng, khả năng chịu đựng kháng lực, dáng đi và sức bền. Bên cạnh đó những bệnh nhân thiếu vitamin D cũng cần được bổ xung vì việc bổ sung Vitamin D đầy đủ sẽ giúp giảm 19% nguy cơ ngã ở người cao tuổi.
Các bệnh nhân sự di chuyển hạn chế, sẽ xây dựng các chương trình vật lý trị liệu và tập thể dục thực hiện trong nhà. Các bệnh nhân bị co cơ hoặc khớp yếu có thể sử dụng thiết bị trợ giúp. Những bệnh nhân có nguy cơ bị ngã do suy nhược hai chân hoặc điều trị kém nên sử dụng khung tập đi có bánh xe. Người bệnh cũng cần lựa chọn dùng các loại giày dép có gót chân bằng phẳng, một số hỗ trợ mắt cá chân, lòng giầy vững chắc không trơn trượt. Đối với bệnh nhân có khả năng di chuyển hạn chế cần áp dụng điều trị kết hợp phục hồi chức năng.
Cùng với những biện pháp phù hợp về y tế, gia đình người cao tuổi cũng cần chủ động xây dựng không gian sống an toàn cho người cao tuổi bằng cách bố trí đồ đạc gọn gàng, hợp lý. Trong nhà (kể cả nhà vệ sinh) sử dụng gạch lát nền, thảm trải nền có độ bám tốt chống trơn trượt. Đồng thời tạo ra không gian sống đảm bảo đủ ánh sáng, bố trí thanh vịn, tay nắm vững chắc để phòng ngừa ngã.