Huy động nguồn lực và vai trò của cộng đồng trong phòng chống đuối nước trẻ em
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT cùng Dự án Bơi an toàn trao tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tân Thành huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: T.L |
Là địa phương thường xuyên gặp thiên tai, lũ lụt, đường bờ biển dài, số lượng ao hồ, sông suối kênh mương lớn, Quảng Trị xảy ra nhiều trường hợp trẻ em đuối nước và tử vong do đuối nước. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho thấy, từ năm 2015 đến tháng 9/2024 có 134 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, chiếm hơn 50% trên tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích trên địa bàn. Trong khi đó, tỉnh còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, rất ít trường học có bể bơi, hoặc nếu có thì bể bơi đang trong tình trạng xuống cấp, chất lượng nước kém, không đủ nhân viên vận hành. Bên cạnh đó số lượng giáo viên dạy bơi ít không đáp ứng được so với nhu cầu thực tế; nhận thức về phòng chống đuối nước của phụ huynh, cộng đồng và trẻ em còn hạn chế.
Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn này, đơn vị Vận động Chính sách Y tế Toàn cầu (GHAI) đã hợp tác với Quỹ Nhân đạo Golden West (Chương trình Swim for Life) và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị (DOET) triển khai các lớp dạy bơi cho học sinh tiểu học tại 04 huyện có tỷ lệ đuối nước cao nhất tỉnh bao gồm: Triệu Phong, Cam Lộ, Vĩnh Linh và Hướng Hóa. Từ năm 2022-2024, chương trình đã tổ chức dạy bơi cho 3.180 học sinh, tập huấn dạy bơi cho 102 giáo viên, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 130 giáo viên và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 8.799 học sinh.
Trong quá trình này, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật bơi an toàn của Swim for Life, dự án đã huy động sự đóng góp từ cộng đồng. Cụ thể, các bể bơi tư nhân giảm 30% tiền vé vào bể so với giá dịch vụ thực tế; miễn phí cho các học sinh yếu đăng ký luyện tập thêm; giáo viên phụ đạo thêm cho học sinh từ 3-5 tiết học không tính phí giảng dạy. Kết quả số bể bơi hỗ trợ chương trình đã được nâng từ 2 bể bơi của trường học năm 2022 lên 11 bể bơi (trong đó có 6 bể bơi tư nhân) vào năm 2024. Cùng với kinh phí từ ngân sách địa phương, còn có sự đóng góp của quỹ phòng chống thiên tai, phụ huynh và tiết kiệm chi thường xuyên nhiều năm của nhà trường.
Đặc biệt, ngày 25/3/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND về huy động nguồn lực xây dựng bể bơi và phổ cập chương trình dạy bơi cho học sinh phổ thông giai đoạn 2024-2030. Đây là một kế hoạch hết sức cần thiết, vì tới tháng 3/2023, Quảng Trị vẫn còn tới 64,5% học sinh tiểu học, 57,9% học sinh trung học cơ sở và 59,3% học sinh trung học phổ thông chưa biết bơi.
Tương tự như Quảng Trị, tại Quảng Bình, trong vòng 10 năm trở lại đây, chương trình bơi an toàn đã hướng dẫn được 15.279 học sinh biết bơi an toàn (bơi 25 mét, nổi ngửa 120 giây); trên 80.000 trẻ em và học sinh tiểu học, trung học cơ sở được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 279 lượt giáo viên được tập huấn dạy bơi; 441 giáo viên tổng phụ trách đội tham gia tập huấn về kỹ năng an toàn. Đồng thời cắm 145 biển cảnh báo tại các điểm nóng về đuối nước tại cộng đồng; 133 bảng biển truyền thông phòng chống đuố nước; 175 pano, áp phích truyền thông trước cổng trường; trang bị 1.000 áo phao, 200 cặp phao cho trẻ em, học sinh vùng lũ, thấp trũng.
Đóng góp vào kết quả này có sự hợp tác, chung sức của nhiều bên. Hướng tới mục tiêu mỗi xã có một bể bơi, chính quyền cấp huyện đã chủ động chi ngân sách tương đương 35% kinh phí, 65% còn lại do phụ huynh, địa phương/xã, doanh nghiệp đóng góp. Phụ huynh các vùng nông thôn sẵn sàng đóng góp từ 10- 50% kinh phí học bơi theo độ tuổi trẻ em và các loại kỹ năng cần học. Các trường học ở huyện Lệ Thủy đều tổ chức dạy bơi, chủ động phổ cập bơi cho học sinh. Riêng trong năm 2024, dự án chỉ hỗ trợ xây lắp 2 bể bơi di động đặt tại hai trường trung học phổ thông, kinh phí từ địa phương và các nguồn xã hội hóa, phụ huynh đóng góp đã nâng số bể bơi được xây dựng lên 71 bể cho các trường học. Tương tự như vậy, ban đầu, việc dậy bơi an toàn cho học sinh mới dừng lại 407 em tại hai bể bơi thí điểm, tập huấn cho 19 giáo viên dạy bơi theo chương trình đào tạo. Nhờ nguồn kinh phí cộng đồng đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ nêu trên.
Từ những kinh nghiệm thực tế triển khai tại Quảng Trị và Quảng Bình, Chương trình Swim for Life định hướng tiếp tục huy động nguồn lực và cộng đồng tham gia vào các dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh tại các địa bàn có gắng nặng đuối nước cao tại Việt Nam. Trong đó, tuyên truyền và giáo dục về kiến thức và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh với nhiều hình thức phù hợp sẵn có. Đồng thời hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ phòng chống tai nạn thương tích/phòng chống đuối nước trong nhà trường để lan tỏa các thông điệp truyền thông. Đặc biệt, tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong mọi hoạt động, chia sẻ kinh phí, nhân lực…tạo cộng hưởng sức mạnh hướng tới mục tiêu giảm tai nạn thương tích trẻ em, học sinh trên một cách hiệu quả trên diện rộng.