Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng trong điều trị ung thư
Ăn kiêng quá mức
Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân thiếu hiểu biết, do lo sợ bệnh ung thư phát triển hoặc tái phát còn ăn kiêng quá mức dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống...
Ăn chay: Nhiều người cho rằng, bệnh nhân ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất. Còn sau đó ăn kiêng chất đạm động vật mà chỉ ăn chay với gạo lứt, muối vừng…
Quan điểm sai lầm này xuất phát từ suy nghĩ ăn uống càng bổ dưỡng thì khối u phát triển nhanh nên cần phải giảm bớt việc ăn uống để “bỏ đói” khối u. Tuy nhiên, việc không ăn đủ chất khiến bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, rút ngắn thời gian sống đồng thời làm tăng tỉ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong.
Trong thực tế lâm sàng, khái niệm “bỏ đói” tế bào ung thư là phương pháp nút mạch (gây tắc mạch đến các động mạch cấp máu cho khối u, cắt đứt nguồn dinh dưỡng đến nuôi u) trong một số trường hợp khi khối u còn nhỏ, chứ không phải là loại bỏ chế độ dinh dưỡng hằng ngày để “bỏ đói” khối u. Do đó, duy trì dinh dưỡng đầy đủ mới là cơ sở nền tảng của việc điều trị.
Không uống sữa: Nhiều bệnh nhân cho rằng uống sữa giàu năng lượng sẽ khiến khối u nhanh phát triển và di căn. Tuy nhiên, với bệnh nhân ung thư, đã thiếu năng lượng cùng với việc ăn uống kém, thì việc bổ sung sữa giàu năng lượng là cần thiết. Sữa cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, giúp người bệnh phục hồi, tránh tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần cải thiện kết quả điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kiêng ăn đường: Rất nhiều bệnh nhân cho rằng đường sẽ nuôi tế bào ung thư, khiến khối u phát triển nhanh. Tuy nhiên điều đó là không chính xác.
Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày như cơm, ngô, khoai, sắn… có chứa carbohydrate, hay còn gọi là tinh bột. Chính những thực phẩm này sẽ tạo thành đường để cơ thể sử dụng.
Không nên tẩm bổ cho người bệnh ung thư là quan niệm sai lầm. |
Đường là nguồn cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng tất cả các tế bào của cơ thể chúng ta., trong đó có tế bào ung thư. Do đó các tế bào bình thường trong cơ thể chúng ta rất cần đường để được nuôi dưỡng và duy trì cơ thể khỏe mạnh.
Các tế bào ung thư rất “tham ăn” và cũng rất linh hoạt. Chúng có thể thay đổi cách chuyển hóa và sử dụng các chất tùy thuộc chế độ ăn uống của người bệnh. Khi loại bỏ hoàn toàn chất đường ra khỏi chế độ ăn, thì các tế bào ung thư có thể thay đổi và sử dụng chất béo hoặc protein làm năng lượng. Vì vậy, việc loại bỏ đường để điều trị ung thư là một biện pháp chưa được chứng minh. Tuy nhiên, không nên sử dụng đường tinh chế, nước ngọt hoặc ngũ cốc có đường.
Cho rằng nước ép có thể chữa ung thư
Một số người sử dụng nước ép từ các loại rau củ quả như một phương thuốc cho tất cả các loại ung thư mà từ chối điều trị - đây là một sai lầm. Mặc dù nước ép là một cách tốt để thêm nhiều khẩu phần trái cây và rau quả vào chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng nước ép không tiêu diệt được tế bào ung thư và cũng không thay thế được một chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Chính vì thế không nên sử dụng nước ép để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.
Bồi bổ quá mức cần thiết
Trái ngược với quan điểm ăn kiêng, nhiều bệnh nhân ung thư thấy thể chất suy nhược nên tích cực bồi bổ một cách quá mức. Việc bồi bổ là rất cần thiết, nhưng phải hợp lý về số lượng cũng như chất lượng mỗi bữa, thành phần cân đối các nhóm chất cần thiết mỗi ngày tùy giai đoạn bệnh. Do đó, cần hỏi ý kiến bác sĩ khi chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh.
Sống lành mạnh, điều độ là quan trọng nhất
Ngoài việc điều trị, bệnh nhân ung thư cần có một chế độ ăn uống đầy đủ chất, bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn nhiều chất xơ, trái cây, rau, quả; cắt giảm thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đóng hộp và hạn chế uống rượu, bia. Hơn nữa, bệnh nhân không ăn quá 500gram thịt đỏ nấu chín mỗi tuần. Chỉ nên tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn hằng ngày ở mức 70gram. Ngoài ra, người bệnh ung thư cần tránh ăn thực phẩm sống như sashimi (gỏi), rau sống, thịt bò tái...; không nêm nhiều gia vị sau khi nấu ăn; tránh ăn trứng chưa nấu chín; tránh ăn thực phẩm không bảo đảm vệ sinh hay thực phẩm đã nấu nhiều giờ trước đó mà không được bảo quản đúng cách. Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý, người bệnh cũng cần nghỉ ngơi và vận động lành mạnh.