Tổn thất kinh tế của đuối nước trẻ em tại Việt Nam
Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cứu sống một bé 2 tuổi bị đuối nước. |
Theo quan điểm của nhóm nghiên trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ can thiệp nhằm phòng ngừa đuối nước ở trẻ em một cách hiệu quả và bền vững” (Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids), tổn thất kinh tế do đuối nước trẻ em gồm: chi phí trực tiếp nuôi trẻ (chi tiêu từ ngân sách nhà nước, chi phí do gia đình chi trả và thời gian cha mẹ dành chăm sóc cho con cái) và nguồn thu nhập từ tương lai (năng suất lao động tương lai bị mất đi của đứa trẻ bị đuối nước, giá trị hiện tại của thu nhập trọn đời, năng suất lao động bị mất của một thành viên trong gia đình).
Nhóm nghiên cứu đã lấy số liệu 1.957 trẻ em Việt Nam bị tử vong do đuối nước năm 2020 theo báo cáo của Cục Quản lý Môi trường y tế để phân tích gánh nặng kinh tế đối với gia đình, địa phương và quốc gia đối với từng nhóm tuổi. Kết quả cho thấy, một năm chi phí của gia đình để nuôi trẻ từ 0-4 tuổi là 800 đô la Mỹ, từ 5-9 tuổi là 747 đô la Mỹ, từ 10-14 tuổi là 746 đô la Mỹ và từ 15-19 tuổi là 1.086 đô la Mỹ. Chi phí từ ngân sách nhà nước cho các nhóm tuổi đều như nhau (273 đô la Mỹ). Chi phí thời gian chăm sóc của cha mẹ theo các nhóm tuổi cũng giống nhau (354 đô la Mỹ). Dẫn đến tổng chi phí cho các nhóm tuổi lần lượt là 2,855 -9.886-16.754-24.301 đô la Mỹ.
Dựa trên gánh nặng kinh tế bao gồm năng suất lao động bị mất đi của cha mẹ nạn nhân, gánh nặng kinh tế trên mỗi trường hợp trẻ bị đuối nước, số vụ tử vong do đuối nước năm 2020, cho thấy tổng gánh nặng kinh tế đối với các nhóm tuổi lần lượt là 286.698.206 - 162.825.503 - 91.347.371 đô la Mỹ. Như vậy trong năm 2020, gánh nặng kinh tế đối với trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam là 767.522.388 đô la Mỹ.
Đối với 12 tỉnh nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ can thiệp nhằm phòng ngừa đuối nước trẻ em một cách hiệu quả bền vững”, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết quả tổn thất kinh tế tổng hợp cho các nhóm tuổi, trong đó cao nhất là Hà Nội (43.080.000 đô la Mỹ), Thanh Hóa (29.432.000 đô la Mỹ), Nghệ An (28.856.000 đô la Mỹ), Nam Định (26.577.000 đô la Mỹ), Đắk Lắk (19.916.000 đô la Mỹ), Ninh Bình (12.758.000 đô la Mỹ), Long An (9.450.000 đô la Mỹ), Lào Cai (8.781.000 đô la Mỹ), Quảng Bình (8.768.000 đô la Mỹ), Đồng Tháp (7.426.000 đô la Mỹ), Sóc Trăng (5.310.000 đô la Mỹ), và Yên Bái (3.995.000 đô la Mỹ). Gánh nặng tổn thất này liên quan đến số lượng trẻ em đuối nước và thực tế chi phí nuôi trẻ có sự khác nhau ở từng địa phương.
Kết quả này cho thấy gánh nặng kinh tế đuối nước trẻ em tại Việt Nam là rất lớn (trên 767 triệu đô la Mỹ trong năm 2020); tổn thất cao nhất liên quan đến nhóm tuổi nhỏ nhất (0-4 tuổi); và các địa phương có mức sống cao chịu chi phí tổn thất cao hơn, chênh lệch rất lớn đối với địa phương có mức sống còn thấp. Kết quả này cũng làm rõ lợi ích của chương trình bơi an toàn đã được chính phủ Việt Nam công bố tại Chiến lược quốc gia về phòng chống đuối nước và Kế hoạch giảm thiểu 10% trẻ em bị tử vong đuối nước vào năm 2025 và giảm 20% trẻ em tử vong đuối nước vào năm 2030 so với năm 2020. Đạt mục tiêu có 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng bơi an toàn + 50% biết bơi an toàn vào năm 2025; tỷ lệ này lần lượt được nâng lên 70% và 60% vào năm 2030. Đồng thời đảm bảo 100% các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận,…90% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030.
Chương trình bơi an toàn do hỗ trợ là một trong những đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm tổn thất gánh nặng kinh tế do đuối nước trẻ em tại Việt Nam. Đồng thời đem lại hạnh phúc gia đình, an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế ổn định khi cứu được những tính mạng trẻ thơ khỏi nguy cơ đuối nước đang diễn ra phức tạp hàng ngày.